ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 21/11/2024 -22:43 PM

Một số điểm mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

 | 

Ngày 25/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc Hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự (viết tắt là BLTTDS năm 2015).  Để phục vụ cho việc thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, tác giả xin giới thiệu một số điểm mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, theo quy định của BLTTDS năm 2015.

1. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự

Thể chế hóa khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013,tại Điều 13 BLTTDS năm 2015 quy định: "Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nhiêm chỉnh và thống nhất". Như vậy, so với quy định tại Điều 13 BLTTDS hiện hành, BLTTDS năm 2015 đã quy định cụ thể nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành Kiểm sát trong việc thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự. Đồng thời nâng cao vị trí pháp lý của VKSND trong tố tụng dân sự nói riêng và kiểm sát hoạt động tư pháp nói riêng.

2. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Kiểm sát viên, kiểm tra viên Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự

BLTTDS năm 2015 tiếp tục khẳng định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng; Viện trưởng và Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng dân sự. Đồng thời bổ sung quy định Kiểm tra viên cũng là người tiến hành tố tụng và bổ sung 01 điều luật (Điều 59) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên để đảm bảo phù hợp với Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 2014.

 Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát: Nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp trưởng trong công tác quản lý, chỉ đạo, đặc biệt là trong công tác kháng nghị, Điều 57 BLTTDS năm 2015 quy định Viện trưởng VKSND có  nhiệm vụ, quyền hạn "Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này" vàViện trưởng không được ủy nhiệm cho Phó viện trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này (khoản 2 Điều 57).

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên: BLTTDS năm 2015 (Điều 58) đã quy định cụ thể, chi tiết và giao cho Kiểm sát viên nhiều quyền năng hơn giúp Kiểm sát viên chủ động, tích cực hơn trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là các quyền: Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 Bộ luật này; kiến nghị, yêu cầu Tòa án thực hiện đúng các hoạt động tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên: Lần đầu tiên BLTTDS có 01 quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên khi thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự (Điều 46, Điều 59). Theo đó, Kiểm tra viên là người tiến hành tố tụng có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ, việc; báo cáo kết quả với Kiểm sát viên; lập hồ sơ kiểm sát vụ việc dân sự; giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.

3. Về tham gia phiên tòa dân sự

Về phạm vi tham gia phiên tòa sơ thẩm của Viện kiểm sát: Tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS năm 2015 đã quy định theo hướng cụ thể hóa trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật được thuận lợi. Ngoài ra, còn bổ sung thêm trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Về sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 207, khoản 1 Điều 266, khoản 2 Điều 313 BLTTDS hiện hành thì sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp là 01 thủ tục bắt buộc, nếu vắng mặt Kiểm sát viên thì phải hoãn phiên tòa, phiên họp. Nhằm bảo đảm cho việc xét xử, giải quyết vụ, việc dân sự của Tòa án được nhanh chóng, kịp thời và đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên, tại khoản 1 Điều 232, khoản 2 Điều 275, khoản 1 Điều 296, khoản 2 Điều 314, khoản 1 Điều 367 BLTTDS năm 2015 quy địnhKiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, phiên họp trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm.

Về phát biểu của Kiểm sát viên tại phên tòa sơ thẩm: Tại Điều 262 BLTTDS năm 2015 quy định: "Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án". Như vậy, so với quy định tại Điều 234 BLTTDS  hiện hành, BLTTDS năm 2015 đã cho phép Viện Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa ngoài việc phát biểu về tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, còn được phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Việc phát biểu ý kiến quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án dân sự là một trong những nguồn tài liệu quan trọng để Hội đồng xét xử tham khảo, đánh giá, xem xét trước khi ra 01 bản án, đảm bảo có căn cứ và đúng pháp luật.

4. Về việc tham gia phiên tòa dân sự của Viện kiểm sát theo thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm

Giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm là quy định mới trong BLTTDS năm 2015 (chương XVIII; XIX). Theo đó, thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường, nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật. Đối với Viện kiểm sát khi tham gia phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn thì thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án chỉ có 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Về thời hạn kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định. Tòa án sẽ không hoãn phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm nếu Kiểm sát viên vắng mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm.

5. Về việc thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát nhân dân

Khoản 6 Điều 97 BLTTDS năm 2015 quy định: "Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm". Theo quy định trên thì quyền thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát đã được mở rộng hơn so với quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS hiện hành. Viện kiểm sát không phải thực hiện quyền này thông qua quyền yêu cầu như trước đây, mà có quyền trực tiếp thực hiện các biện pháp để thu thập chứng cứ đảm bảo cho việc kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm như: Lấy lời khai, đối chất, trưng cầu giám định....Ngoài ra, BLTTDS năm 2105 còn quy định rõ: Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (trong đó có Viện trưởng VKSND tối cao và Viện trưởng VKSND cấp cao) có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết (khoản 2 Điều 330 BLTTDS năm 2015).

6. Về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân

Theo quy định tại Điều 331 BLTTDS năm 2015, Viện trưởng VKSND tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Trên đây là một số điểm mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự theo quy định của BLTTDS năm 2015, xin giới thiệu để đồng nghiệp tham khảo, vận dụng trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự./.

Nguyễn Đức Sơn - Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,409,049
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.141.2.191

    Thư viện ảnh