ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -13:48 PM

Một số quy định của Thông tư liên tịch số 05 /2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến

 | 

Với mục đích nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Ngày 15/12/2021 liên ngành TAND-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP đã ban hành Thông tư liên tịch số 05 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2022.

Thông tư liên tịch số 05/2021 TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP (gọi tắt là Thông tư 05) có 4 chương với 16 điều, với nội dung chính như sau:

Về yêu cầu đối với các điểm cầu

Theo Điều 4 quy định về yêu cầu đối với các điểm cầu là:

Phòng xử án tại điểm cầu trung tâm được tổ chức theo quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án và bảo đảm một số yêu cầu cụ thể:

- Phòng xử án trang bị các thiết bị riêng biệt phục vụ phiên tòa trực tuyến gồm: Hệ thống chiếu sáng; hệ thống đường truyền và thiết bị mạng; hệ thống âm thanh (loa, micro, tăng âm, bộ trộn âm thanh); thiết bị hiển thị hình ảnh tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần phiên tòa trực tuyến; thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, phần mềm truyền hình trực tuyến; thiết bị camera ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa; thiết bị lưu trữ dữ liệu; máy chiếu vật thể dùng để trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; thiết bị lưu điện.

Một điểm đáng chú ý được quy định tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư 05 đó là: phiên tòa trực tuyến chỉ được kết nối tối đa không quá 03 điểm cầu thành phần phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định như:

- Không gian tại điểm cầu lịch sự, nghiêm túc, yên tĩnh; ánh sáng phù hợp …âm thanh và hình ảnh tại phiên tòa được rõ nét, không gián đoạn.

- Đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi thì việc xét xử phải phù hợp với quy định về phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Hình ảnh phiên tòa trực tuyến toàn quốc do Viện KSND thành phố Bắc Giang phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức

Về trách nhiệm của Viện kiểm sát trong tổ chức phiên tòa trực tuyến

Theo Điều 6 Thông tư quy định: Trong thời hạn 03 ngày với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường, 01 ngày với vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, Viện kiểm sát phải có văn bản trả lời về việc đồng ý mở phiên tòa trực tuyến hay không.

- Nếu đồng ý xét xử trực tuyến mà xét thấy cần thiết thì cử người tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần để giúp việc cho Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại điểm cầu trung tâm;

- Nếu không đồng ý thì phiên tòa được tổ chức theo quy định của BLTTHS.

Về thành phần tham gia phiên tòa trực tuyến

Theo quy định tại Điều 10 thì thành phần tham gia phiên tòa trực tuyến gồm:

- Tại điểm cầu trung tâm là: hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa, kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án. Đương sự, bị hại; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; người bào chữa, người tham gia tố tụng khác (nếu có) tham gia tại điểm cầu trung tâm nếu họ lựa chọn hoặc tòa án triệu tập.

- Tại điểm cầu thành phần

+ Đối với vụ án hình sự được đặt tại cơ sở giam giữ thì thành phần tham gia gồm: bị cáo, người bào chữa; người phiên dịch, cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ và Kiểm sát viên, công chức khác thuộc Viện kiểm sát (nếu có). Trường hợp bị cáo là người dưới 18 tuổi thì bố trí người đại diện hợp pháp của họ tham gia tại điểm cầu này, trừ trường hợp họ đề nghị tham gia tại điểm cầu trung tâm.

+ Đối với điểm cầu thành phần đặt tại trụ sở Tòa án khác thì thành phần tham gia gồm: bị cáo, bị hại, đương sự; người tham gia tố tụng khác; công chức Tòa án nơi đặt điểm cầu thành phần hỗ trợ tổ chức phiên tòa; Kiểm sát viên, công chức khác thuộc Viện kiểm sát (nếu có); cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ; cảnh sát hỗ trợ tư pháp (nếu thấy cần thiết);

+ Đối với vụ án hình sự, dân sự, hành chính mà điểm cầu thành phần được đặt tại nơi đương sự hoặc Trung tâm trợ giúppháp lý nhà nước lựa chọn được Tòa án chấp nhận thì thành phần tham gia gồm: người tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có).

Đáng chú ý, thông tư quy định trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự không thể tham gia phiên tòa tại một trong các điểm cầu mà Tòa án đã bố trí thì phải có văn bản đề nghị Tòa án cho phép tham gia phiên tòa tại điểm cầu mình tự bố trí nhưng phải đáp ứng các tiêu chí Thông tư quy định.

Yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến

Tại Điều 11 quy định: thiết bị điện tử luôn ở trạng thái mở camera và bật âm thanh micro; khi được yêu cầu thì mới phát biểu. Không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng.

Trình tự tố tụng tại phiên tòa trực tuyến

Theo Điều 13 quy định thì trình tự, thủ tục phiên tòa trực tuyến thực hiện như phiên tòa thông thường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Một số yêu cầu cần thực hiện tại phiên tòa trực tuyến như:

- Tòa án kiểm tra căn cước của những người tham gia phiên tòa thông qua so sánh trực tuyến các giấy tờ tùy thân hoặc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Khi khai mạc, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải phổ biến thêm việc xét xử trực tuyến vẫn đảm bảo các trình tự, thủ tục tố tụng; các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại, đương sự.

- Việc người tham gia tố tụng tại điểm cầu thành phần cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tiếp nhận tài liệu, chứng cứ theo hình thức dữ liệu điện tử và yêu cầu công chức Tòa án hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ hỗ trợ thực hiện sao chụp và trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa cho Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên tại điểm cầu trung tâm xem xét, quyết định. Việc tiếp nhận tài liệu, chứng cứ phải lập biên bản theo quy định tại BLTTHS, BLTTDS, Luật TT hành chính.

- Phiên tòa trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh dưới dạng dữ liệu điện tử.

- Biên bản phiên tòa tuân thủ biểu mẫu theo quy định của pháp luật tố tụng. Ghi rõ phiên tòa diễn ra tại các điểm cầu nào; ghi rõ họ, tên Kiểm sát viên, công chức Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ, tại điểm cầu thành phần.

- Bản án, quyết định của Tòa án phải tuân thủ biểu mẫu theo quy định của pháp luật tố tụng. Phần mở đầu của bản án, quyết định của Tòa án phải ghi rõ phiên tòa diễn ra tại các điểm cầu nào; ghi rõ họ, tên Kiểm sát viên, công chức Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ, tại điểm cầu thành phần.

Tạm dừng, hoãn phiên tòa trực tuyến

Theo Điều 14 quy định: trong trường hợp trước khi diễn ra phiên tòa hoặc trong quá trình diễn ra phiên tòa trực tuyến mà hệ thống trực tuyến bị gián đoạn do lỗi kết nối đường truyền, mất điện hoặc sự cố khác làm phiên tòa không thể tiếp tục được thì hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa.

Trường hợp đến ngày mở lại phiên tòa mà vẫn không thể tổ chức được thì tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Sau đó xem xét, quyết định việc mở lại phiên tòa theo hình thức trực tuyến hoặc theo hình thức thông thường theo quy định của pháp luật.

Nếu vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì không hoãn phiên tòa. Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo quy định tại khoản 6 Điều 326 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trên đây là một số điểm chính của Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến./.

Phạm Thành Quý-Phòng 7, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,135,620
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.118.28.31

    Thư viện ảnh