.

Thứ ba, 30/04/2024 -14:48 PM

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung về chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam

 | 

Ngày 14/12/2021Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/12/2021. So với Nghị định số 120 thì Nghị định số 113 đã sửa đổi, bổ sung cụ thểhơn về định mức ăn, chế độ mặc và tư trang, tiền thuốc chữa bệnh của người tạm giữ, tạm giam và chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ. Cụ thể:

Thứ nhấtNghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 về định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Cụ thể, định mức ăn trong một tháng của người bị tạm giam gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 01 kg thịt lợn (trước đây là 0,7 kg thịt nói chung); 01 kg cá (trước đây là 0,8 kg cá); 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn (trước đây không có); 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối (trước đây là 01 kg muối); gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ; chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Thứ haiNghị định sửa đổi khoản 3 Điều 4, cụ thể: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hưởng định mức ăn bằng 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ (trước đây là được ăn tăng thêm 30% định lượng về thịt, cá). Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sinh con được thanh toán viện phí và được cấp 01 lần các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh tương đương 01 tháng chế độ ăn của trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ (trước đây là bồi dưỡng bằng hiện vật trị giá tương đương 30 kg gạo tẻ loại trung bình).

Thứ ba, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 về chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Cụ thể:

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân, nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người gồm: 1 chiếu; 1 màn cá nhân; 1 đôi dép; 2 bộ quần áo dài; 1 áo ấm mùa đông (các tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra và 5 tỉnh Tây Nguyên) và 1 chăn (các tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra và 5 tỉnh Tây Nguyên dùng chăn bông loại không quá 02 kg, các tỉnh, thành phố còn lại dùng chăn sợi). (Trước đây quy định chung là các cơ sở giam giữ từ thành phố Đà Nẵng trở vào dùng chăn sợi, từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra dùng chăn bông loại không quá 02 kg)

- Người bị tạm giữ được cấp: 01 bàn chải đánh răng; kem đánh răng không quá 20g (trước đây là kem đánh răng loại thường); 01 khăn rửa mặt; 0,1 kg xà phòng, 20ml dầu gội đầu (trước đây không có xà phòng và dầu gội). Khi người bị tạm giữ chuyển sang tạm giam thì tiếp tục sử dụng bàn chải đánh răng, khăn mặt theo quy định đối với người bị tạm giam.

- Người bị tạm giam được cấp: 01 bàn chải đánh răng, 01 khăn rửa mặt dùng trong 03 tháng (trước đây dùng trong 04 tháng); kem đánh răng không quá 100g dùng trong 02 tháng (trước đây là kem đánh răng loại thường); mỗi tháng được cấp 0,3 kg xà phòng, 70ml dầu gội đầu (trước đây không có dầu gội).

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ nếu có nhu cầu được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ trị giá tương đương 02 kg gạo tẻ/người/tháng (trước đây là được cấp thêm).

Thứ tư, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7, cụ thể: Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam được cấp tương đương 03 kg gạo tẻ/người/tháng (trước đây là 02 kg gạo tẻ loại trung bình/ 01 người/ 01 tháng).

 Thứ năm, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 8, như sau:

- Tại khoản 1 Điều 8 quy định: Chế độ ăn của trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được hưởng như mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng đối với trẻ em dưới 04 tuổi tại cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành (trước đây là chế độ ăn theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 120); ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật trẻ em được hưởng chế độ ăn bằng 05 lần ngày thường, ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 01 tháng 6 dương lịch), tết Trung thu (ngày 15 tháng 8 âm lịch) được hưởng chế độ ăn bằng 02 lần ngày thường. Mỗi tháng được cấp sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20 kg gạo tẻ/trẻ em (trước đây là gạo tẻ loại trung bình). Căn cứ vào lứa tuổi của trẻ em và điều kiện thực tế, Thủ trưởng cơ sở giam giữ hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em hoặc quy đổi thành tiền và gửi lưu ký để mẹ của trẻ em sử dụng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng (trước đây chỉ quy định được hoán đổi phù hợp với nhu cầu của trẻ).

- Tại khoản 2 Điều 8 quy định: Trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được cấp các đồ dùng cá nhân theo tiêu chuẩn mỗi trẻ em gồm: 01 chăn, 01 màn phù hợp với lứa tuổi; 01 bộ quần áo ấm mùa đông/01 năm (các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra và 05 tỉnh Tây Nguyên); 01 đôi dép/06 tháng; 02 bộ quần áo bằng vải thường/06 tháng; 01 khăn rửa mặt/03 tháng; 0,3 kg xà phòng/tháng (trước đây không có quy định này).

- Tại khoản 3 Điều 8 quy định:  Trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được cấp thẻ bảo hiểm y tế (trước đây không có quy định này), chăm sóc y tế, khám chữa bệnh theo quy định của Luật Trẻ em và Luật Bảo hiểm y tế (trước đây là theo quy định của Bộ Y tế). Trường hợp bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá, cơ sở giam giữ làm thủ tục chuyển đến cơ sở y tế của Nhà nước để điều trị; Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc trích xuất và áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam là mẹ của trẻ đi cùng để chăm sóc.

Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thanh toán chi phí thực tế trong việc khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ tại bệnh xá, bệnh viện trong cơ sở giam giữ và các cơ sở y tế của Nhà nước. Trường hợp trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ chết, kinh phí an táng được thực hiện như đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết.

- Tại khoản 4 Điều 8 quy định: Các chế độ đối với trẻ em từ đủ 36 tháng tuổi trở lên ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội hoặc chờ gửi về thân nhân nuôi dưỡng được thực hiện theo quy định tại Điều này (trước đây không có quy định này).

Thứ sáu, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 3 Điều 10 như sau:

- Tại khoản 1 Điều 10 quy định: Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết, kinh phí bảo đảm việc khâm liệm gồm: Tiền mua 01 quan tài bằng gỗ thường, 01 bộ quần áo dài và 01 bộ quần áo lót mới, 04 m2 vải liệm, hương, nến, cồn làm vệ sinh và khoản tiền chi phí khác tương đương 100 kg gạo tẻ (trước đây là gạo tẻ loại trung bình).

- Tại khoản 3 Điều 10 quy định: Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà thân nhân nhận thi hài về an táng thì được hỗ trợ kinh phí vận chuyển thi hài và chi phí an táng trị giá tương đương 200 kg gạo tẻ (trước đây là gạo tẻ loại trung bình).

Như vậy, các chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam tại Nghị định số 113 đã được quy định cụ thể hơn so với Nghị định số 120, điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người bị tạm giữ, tạm giam, góp phần vào bảo vệ quyền con người, sự bình đẳng trước pháp luật.

Trên đây là một số nội dung sửa đổi, bổ sung về chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam tại Nghị định số 120/2017/NĐ-CP, ngày 06/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành từ ngày 14/12/2021./.

Nguyễn Mạnh- Viện KSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,801,360
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.220.1.239

    Thư viện ảnh