.

Thứ bảy, 27/04/2024 -03:23 AM

Nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp công dân

 | 

Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền của nhân dân, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân, quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; nghĩa vụ của cán bộ, nhân viên nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Bên cạnh đó, Hiến pháp còn bảo vệ các quyền nêu trên của công dân thông qua các cơ chế bảo đảm thực hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Luật tiếp công dân 2013 quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hành từ 01/7/2014

Hiện nay thông tin bùng nổ, quyền dân chủ của người dân ngày càng được đề cao, việc những người đại diện cho cơ quan công quyền tiếp công dân cần nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là những chuyên môn sâu… 

Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo là trách nhiệm của người có thẩm quyền. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công vụ, được giao cho những cán bộ, công chức có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện. Hoạt động này cần người thực hiện có sự hiểu biết về pháp luật và những kỹ năng thực hành tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bên cạnh những quy trình, người thực hiện cần vận dụng sáng tạo nghệ thuật giao tiếp, sử dụng pháp luật đảm bảo có tình, có lý để giải quyết sự việc, vừa phát huy được dân chủ, vừa đảm bảo pháp chế của hoạt động kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là hoạt động thực hiện pháp luật, do vậy cần được thực hiện theo những nguyên tắc pháp luật, nội dung điều khoản được quy định, trong đó, thủ tục thực hiện quyền cần phải đơn giản để các tầng lớp nhân dân dễ thực hiện quyền của mình. Giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân phải đúng thẩm quyền luật định. Trong nhiều trường hợp, vì xác định chưa đúng, hoặc chưa đủ căn cứ về thẩm quyền nên quá trình giải quyết đơn thư chưa đạt hiệu quả.

Cán bộ tiếp công dân cần phải có kỹ năng nhất định như: 

Ngư­ời tiếp dân phải ngồi ngay ngắn, nghiêm túc. Với ánh mắt, nụ cười, nét mặt, cử chỉ thân thiện... phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp lắng nghe người dân trình bày, ghi chép những nội dung cần thiết. 

Khi giao tiếp với công dân, cán bộ tiếp dân phải sử dụng lời nói theo chuẩn mực, theo ngôn từ hành chính đồng thời phải nói chính xác, rõ ràng sát với nội dung dân nêu ra. 

Để tiếp công dân có hiệu quả thì cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây: Đảm bảo đúng pháp luật về tiếp công dân, giữ vững nguyên tắc trong đối thoại giao tiếp; Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong giao tiếp.

Thực hiện tốt được những nội dung trên sẽ làm cho hoạt động tiếp công dân ngày càng có hiệu quả hơn, được dân tin và gửi gắm những băn khoăn, thắc mắc.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân không để diễn biến phức tạp, khiếu tố đông người ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trước và trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cán bộ tiếp dân cần có một số kỹ năng như:

- Chú ý lắng nghe, đối thoại khi tiếp công dân bao gồm: Những vấn đề người dân đang gặp vướng mắc, đang cảm thấy khó khăn, bức xúc, muốn trình bày với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có phương hướng xử lý đúng, phù hợp.

 - Văn hóa ứng xử của người tiếp công dân: Trong hoạt động tiếp công dân, người tiếp công dân cần chú ý bảo đảm có văn hóa ứng xử phù hợp của người tiếp công dân. 

- Ứng xử trong trường hợp được từ chối tiếp công dân: Trong trường hợp này, người tiếp công dân cần thực hiện giải thích pháp luật về nội quy tiếp dân, tránh bị hiểu nhầm là không tiếp dân.

- Ứng xử trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung: Đây là vấn đề thực tiễn khá phổ biến và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nội dung phản ánh chủ yếu về lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Do vậy, cần bố trí đủ cán bộ có năng lực để tiếp dân, hoặc lãnh đạo trực tiếp tiếp dân. Cán bộ tiếp dân đề nghị đoàn cử người đại diện vào làm việc. Phòng tiếp dân cần bố trí chỗ ngồi nghỉ, đợi cho những người còn lại của đoàn. Trường hợp những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân yêu cầu người đại diện viết thành văn bản hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung vụ việc do người đại diện trình bày, đọc lại cho họ nghe và yêu cầu ký hoặc điểm chỉ để xác nhận.

Bên cạnh đó, cán bộ thực hiện công tác tiếp dân cần nắm chắc tình hình và báo cáo kịp thời những vụ việc mới phát sinh tại đơn vị có khả năng khiếu kiện đông người, vượt cấp, từ đó lãnh đạo đơn vị sẽ có những biện pháp phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc xử lý giải quyết./.

Vi Xuân Vượng- Thanh tra, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,770,509
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.111.183

    Thư viện ảnh