ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 03/04/2025 -12:44 PM

Một số vấn đề cần thảo luận đối với dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)

 | 

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các ý kiến cơ bản đã tán thành về sự cần thiết ban hành Luật và thống nhất nhiều nội dung của dự thảo Luật. Trên cơ sở những ý kiến góp ý, có một số vấn đề cần thảo luận đối với dự thảo Luật như sau:

- Tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo quy định: Những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm “sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tồn trữ, sử dụng, chiếm đoạt, mua, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cầm cố trái phép hóa chất”. Tuy nhiên, việc quy định theo hướng liệt kê như vậy sẽ dẫn đến trường hợp không bao quát hết các trường hợp, đơn cử như các hành vi pha chế, chế biến, gia công, san chiết trái phép hóa chất có bị cấm hay không? Thực tế nếu các hành vi này được phát hiện cũng rất khó để xử lý theo quy định của Dự thảo.

- Tại điểm b khoản 3 Điều 5 Dự thảo có ghi nhận thuật ngữ “Môi trường chiến lược” và là một trong những điều kiện quan trọng phải đánh trước khi lập, điều chỉnh, phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất. Tuy nhiên, “Môi trường chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất” có nội hàm là gì, bao gồm những yếu tố nào, mức độ đánh giá như thế nào thì chưa được làm rõ.

- Tại điểm c khoản 2 Điều 6 quy định việc xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định tại Điều 36 và Điều 37. Tuy nhiên, Điều 36 và Điều 37 Dự thảo cũng chỉ quy định theo hướng dự trù, tức là không quy định cụ thể những hoạt động phải thực hiện ngay từ khi bắt đầu hoạt động hóa chất để có thể ứng phó kịp thời khi sự cố xảy ra.

- Tại Điều 11 Dự thảo quy định thời hạn có hiệu lực đối với Giấy phép sản xuất hóa chất cần kiểm soát đặc biệt giống với trường hợp hóa chất có điều kiện. Tuy nhiên, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt là hóa chất cần kiểm soát về kỹ thuật an toàn; bảo vệ môi trường; phạm vi, loại hình, quy mô, có khả năng gây hại đếnquốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người, sinh vật, tài sản và môi trường nên cần phải rút ngắn thời gian kiểm soát lại đối với loại hóa chất trên để đảm bảo an toàn, an ninh. Do vậy, việc quy định thời hạn Giấy phép sản xuất hóa chất cần kiểm soát đặc biệt giống với trường hợp hóa chất có điều kiện (thời hạn 05 năm) là chưa hợp lý. Bên cạnh đó,Dự thảo chưa có quy định cụ thể Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có thẩm quyền nào có trách nhiệm cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sản xuất hóa chất cần kiểm soát đặc biệt và Giấy phép sản xuất hóa chất cấm.

-Tại Điều 33Dự thảo quy định Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về bảo đảm an toàn, an ninh hóa chất, chưa quy định cụ thể định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định máy, thiết bị vận hành hệ thống an toàn và xử lý chất thải, phương tiện. Nhận thấy, bên cạnh hoạt động hóa chất thì vấn đề đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất là vấn đề cần quan tâm, trong đó việc định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định máy, thiết bị vận hành hệ thống an toàn và xử lý chất thải, phương tiện cần phải quy định cụ thể để các đơn vị thực hiện và kịp thời khăc phục lỗi trong hoạt động, đồng thời xác định trách nhiệm hướng xử lý khi kiểm tra phát hiện các trường hợp không đảm bảo an toàn.

- Tại khoản 2 Điều 45 về trách nhiệm xử lý hóa chất độc tồn dư, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xây dựng phương án xử lý hóa chất độc tồn dư không rõ nguồn gốc, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu.” Tuy nhiên, trên thực tế cơ quan công an,cơ quan quân sự là lực lượng tham gia vào việc đảm bảo an toàn, anh ninh trong hoạt động hóa chất. Bên cạnh đó, lực lượng này có nhân lực có kỹ thuật và các trang thiết bị cần thiết để xử lý được các vấn đề phát sinh trong việc tịch thu, xử lý hóa chất độc tồn dư, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu. Do vậy, đối với các chủ thể là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nên bổ sung quy định về trách nhiệm xây dựng phương án xử lý hóa chất độc tồn dư không rõ nguồn gốc, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu.

Trên đây là một số ý kiến thảo luận đối với dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) để các đồng chí tiếp tục nghiên cứu, góp ý, hoàn thiện Dự thảo Luật./.

Vũ Thị Hoa - Phòng 3, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:33,575,059
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.58.172.97

    Thư viện ảnh