ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 03/04/2025 -13:04 PM

Những vướng mắc khi xử lý các vụ việc hình sự có đối tượng sử dụng dao có tính sát thương cao thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật theo quy định mới của pháp luật

 | 

Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 trong đó có quy định mới về trường hợp vũ khí quân dụng là dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, quy định mới này đã gây ra nhiều vướng mắc trên thực tiễn khi xử lý các vụ việc hình sự có đối tượng sử dụng dao có tính sát thương cao thực hiện hành vi phạm tội

1. Các quy định mới về trường hợp xác định dao có tính sát thương cao là vũ khí quân dụng

- Tại điểm d, khoản 2 và khoản 6 Điều 2 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024 quy định trường hợp dao có tính sát thương cao là vũ khí quân dụng cụ thể như sau:

“2. Vũ khí quân dụng bao gồm:

-----

d) Súng săn, vũ khí quy định tại điểm a khoản 4, vũ khí quy định tại điểm a khoản 5 và dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều này sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật;

------

6. Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.”

- Tại phụ lục số 5 Thông tư số 75/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định dao có tính sát thương cao bao gồm 4 chủng, loại sau:

(1) Dao sắc, nhọn: Cấu tạo, đặc điểm cơ bản, bao gồm: Tay cầm, lưỡi dao; lưỡi sắc và nhọn, hình dạng thẳng hoặc cong, có chiều dài từ 12cm trở lên, chiều rộng từ 2cm trở lên;

(2) Dao sắc: Cấu tạo, đặc điểm cơ bản, bao gồm: Tay cầm, lưỡi dao; lưỡi sắc không có đầu nhọn, hình dạng thẳng hoặc cong, chiều dài từ 20cm trở lên, chiều rộng từ 05cm trở lên;

 (3) Dao gấp, dao bấm: Cấu tạo, đặc điểm cơ bản, bao gồm: Tay cầm, lưỡi dao; lưỡi có một hoặc nhiều cạnh sắc, nhọn, gấp hoặc bấm lại được, chiều dài từ 07cm trở lên;

(4) Dao tự chế hoặc hoán cải: Cấu tạo, đặc điểm cơ bản, bao gồm: Tay cầm, lưỡi dao; tay cầm dài từ 30cm trở lên; lưỡi có chiều dài từ 05cm trở lên, sắc nhọn hoặc sắc hoặc nhọn.

2. Các vướng mắc trên thực tiễn

Khi xử lý các vụ việc hình sự có đối tượng sử dụng dao có tính sát thương cao thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật đã phát sinh những vướng mắc đối với cơ quan, người tiến hành tố tụng hình sự cụ thể như sau:

Thứ nhất: Nếu không đánh giá, xác định dao có tính sát thương cao là vũ khí quân dụng thì có vi phạm quy định đã viên dẫn ở trên của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024 hay không là vướng mắc bởi có quan điểm cho rằng phải xác định đó là vũ khí quân dụng nhưng có quan điểm cho rằng xác định con dao đó là vũ khí quân dụng là bất hợp lý, không có giá trị gì trong việc xử lý hình sự đối tượng phạm tội xâm phạm sức khoẻ, tính mạng người khác.

Thứ hai: Nếu xác định con dao có tính sát thương cao đó là vũ khí quân dụng thì có xem xét xử lý đối tượng về tội danh Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng quy định tại điều 304 Bộ luật hình sự hay không? Điều này có vướng mắc bởi có quan điểm cho rằng quy định này mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 nên trên thực tiễn chưa có tiền lệ hoặc án lệ, chưa có hướng dẫn thi hành cụ thể nên chưa thể khởi tố xử lý đối tượng về tội Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại điều 304 Bộ luật hình sự được, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu không xử lý đối tượng về tội danh nêu trên là bỏ lọt tội phạm.

 Thứ ba: Về thời điểm coi dao có tính sát thương cao là vũ khí quân dụng cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng thời điểm xác định là vũ khí quân dụng được tính từ khi đối tượng chuẩn bị dao có tính sát thương cao với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác trái pháp luật (chuẩn bị phạm tội) bởi theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 2 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024 quy định vũ khí quân dụng là dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật chứ không quy định rõ là đã xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật mới xác định là vũ khí quân dụng. Ý kiến khác cho rằng cần phải tính từ khiđối tượng đã dùng con dao đó thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ người khác trái pháp luật thì mới được xác định là vũ khí quân dụng.

Thứ tư: Về thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra hay Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh. Trên thực tiễn nhiều năm qua, khi xử lý các vụ việc về hình sự mà có đối tượng dùng dao có tính sát thương cao thực hiện hành vi phạm các tội như Cố ý gây thương tích hoặc Giết người... thì đều do Cơ quan Cảnh sát điều tra tra tiến hành giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện nay nếu trong các vụ việc này mà xác định đối tượng có phạm tội Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự hay không (đối với hành vi sử dụng dao có tính sát thương cao) sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh theo đúng quy định về thẩm quyền điều tra tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành. Như vậy, các vụ việc này có thể sẽ được chuyển đến Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh để giải quyết bao gồm cả hành vi phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác, điều này cũng gây bất cập trên thực tiễn về thẩm quyền giải quyết giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra do chưa có tiền lệ và chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể.

Tại khoản 1, 2 Điều 17 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định:

“Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh

1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.”

Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc khi xử lý các vụ việc về hình sự có đối tượng sử dụng dao có tính sát thương cao xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật nêu trên, chúng tôi đề xuất các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự Trung ương xem xét, nghiên cứu, tổng hợp các khó khăn vướng mắc phát sinh trên thực tiễn để kịp thời giải đáp, hướng dẫn thực hiện; đồng thời phối hợp ban hành Thông tư liên tịch để việc áp dụng pháp luật được chính xác và đảm bảo tính thống nhất cao./.

Đặng Bá Hưng, Thanh tra- Khiếu tố.

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:33,575,271
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.7.9

    Thư viện ảnh