Thực hiện công tác kiểm sát việc Tòa án giải quyết án dân sự, ngày 11/4/2025 Viện trưởng VKSND tỉnh B đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh B giải quyết vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản”, giữa các đương sự nguyên đơn ôngNguyễn Ngọc N (đã chết). Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông N gồm anh Nguyễn Ngọc L, bà Phạm Thị Th, anh Nguyễn Ngọc T, chị Nguyễn Thị T với bị đơn gồm ông Nguyễn Ngọc L, ông Nguyễn Ngọc V, bà Nguyễn Thị Q, bà Lê Thị Đ. Ngoài ra trong vụ án còn có một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Xem xét nội dung vụ án và việc giải quyết vụ án của TAND tỉnh B, VKSND tỉnh B thấy:
Ông N, ông L, ông T, bà M, anh L đều cho rằng nguồn gốc diện tích đất 1.004,2m2 (do hộ ông L và hộ ông V đang sử dụng; đều đã được cấp GCNQSDĐ); 01 nhà cấp 4, 01 cây mít do ông L đang quản lý là tài sản của bố mẹ các ông bà là cụ T và cụ Th để lại và đề nghị Tòa án phân chia di sản thừa kế của hai cụ theo pháp luật; hủy các GCNQSDĐ đã cấp cho hộ ông L, ông V.
Ông L, ông V thừa nhận tài sản các ông N, ông L, ông T, anh L yêu cầu chia có nguồn gốc là tài sản của cụ T và cụ Th. Nhưng hai cụ đã phân chia cho hai ông, không đồng ý yêu cầu của ông T, ông L, anh L.
Căn cứ lời khai thừa nhận của các bên đương sự, có cơ sở để xác định diện tích đất 1.004,2m2 các đương sự tranh chấp yêu cầu chia thừa kế có nguồn gốc là tài sản của cụ T, cụ Th.
Năm 1978 cụ T chết. Sau khi cụ T chết thì cụ Th tiếp tục quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích đất nêu trên đến khi cụ Th chết (năm 1998). Ông L, ông V cho rằng toàn bộ tài sản do bố mẹ các ông để lại đã được bố mẹ phân chia cho các ông khi còn sống, nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh và không được các đồng thừa kế công nhận.
Mặc dù cụ T, cụ Th chưa được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất trên. Nhưngtrên đất hiện vẫn còn có di sản là nhà cấp 4 (nay chỉ còn móng nhà), cây mít do 2 cụ làm, trồng và các đương sự có yêu cầu chia di sản thừa kế tài sản này. Việc sử dụng đất đó là hợp pháp, cụ Th chưa được cấp GCNQSDĐ do chính quyền địa phương chưa thực hiện cấp. Căn cứ theo quy định tại điểm a tiểu mục 1.3 mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ- HĐTP ngày 10/8/2002 của Hội đồng thẩm phán - TANDTC có cơ sở để xác định trong số diện tích đất các đương sự yêu cầu giải quyết phân chia là di sản của cụ T và cụ Th để lại. Việc ông N (sau này là người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của ông N), ông T, ông L yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T, cụ Th là có căn cứ.
Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại nhận địnhtoàn bộ diện tích đất 1.004,2m2 đã được phân chia khi cụ T, cụ Th còn sống và đã được UBND huyện Y cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình ông L, ông V; ông L, ông V sử dụng đất công khai, ổn định lâu dài, xây nhà, tường bao; những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ không có ý kiến phản đối; không có tài liệu chứng minh hai cụ được cấp GCNQSDĐ; xác định diện tích đất trên là tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của hộ gia đình ông L, ông V và xử không chấp nhận yêu cầu của những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông N; không chấp nhận yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là ông T, ông L chia di sản thừa kế của cụ T, cụ Th, là không đúng quy định của pháp luật, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Để đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự, Viện trưởng VKSND tỉnh B đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm giải quyết vụ án nêu trên. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy toàn bộ bản án, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật./.
Hà Thị Hải- VKSND tỉnh Bắc Giang