.

Thứ sáu, 19/04/2024 -17:27 PM

Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm bản án dân sự do Tòa vi phạm trình tự thủ tục tố tụng

 | 

Ngày 07/4/2020 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B đã ban hành quyết quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện H giải quyết vụ ánTranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn T với bị đơn ông Nguyễn Văn L. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan 10 người trong đó có bà  Trần Thị N; UBND xã C và UBND huyện H do khi giải quyết vụ án Tòa án đã chấp hành không đúng, không đầy đủ các trình tự thủ tục tố tụng được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự, giải quyết nội dung vụ án khi chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đương sự.

Nguyên đơnông Nguyễn Văn T trình bày, năm 1987 Hợp tác xã giao cho vợ chồng ông (vợ ông T là bà N) một thửa đất có một cạnh tiếp giáp tường bao nhà ông L xây năm 1986. Khi giao đất có giấy nhưng không ghi rõ diện tích, sơ đồ. Sau đó vợ chồng ông quản lý, sử dụng làm nhà, trồng tre trên đất.Đến năm 2001 Tòa án đã giải quyết cho ông với bà N ly hôn và phân chia tài sản trong đó có diện tích đất cho ông và bà N.Năm 2013 UBND huyện H đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông. Năm 2017 ông xây dựng nhà cấp 4 thì xảy ra tranh chấp với ông L. Ông L cho rằng ông đã xây nhà trên đất của ông L. Lúc đó ông mới biết năm 2013 ông L đã được cấp GCNQSDĐ bao gồm cả 195,2m2 đất của ông và bà N. Khi xảy ra tranh chấp bà N đã xây tường ngăn với đất nhà ông L; ông xây tường ngăn với đất nhà bà N và sử dụng đến nay.Ông T khởi kiện yêu cầu buộc ông L trả lại 49,9m2 đất; hủy GCNQSDĐ do UBND huyện H đã cấp cho ông L.

Bị đơn Nguyễn Văn L trình bày, đất tranh chấp có nguồn gốc là đất thùng vũng, không ai sử dụng nên ông có trồng tre, chứa nước thải. Năm 2013 chính quyền đã lấy ý kiến của khu dân cư về thửa đất 74, tờ bản đồ số 70 diện tích 615,4m2 đã xác định nguồn gốc đất tự cải tạo, mục đích đất ở từ năm 1986 đến nay, không tranh chấp với ai. Trước và sau khi được cấp GCNQSDĐ ông L đóng thuế đối với diện tích đất tranh chấp. Từ năm 2017 ông T và bà N xây tường ngăn nên ông không sử dụng được đến nay. Ông L đề nghị buộc ông T và bà N trả lại phần đất đã lấn chiếm của gia đình; đối với 02 tường ngăn và phần nhà ông T xây lấn sang đất tranh chấp thì yêu cầu ông T, bà N tháo dỡ.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Bà Trần Thị N trình bày về việc bà và ông T được giao, sử dụng đất; ly hôn và phân chia tài sản như ông T đã trình bày. Phần đất của bà được chia sau ly hôn bà chưa được cấp GCNQSDĐ. Năm 2017 bà đã xây tường ngăn với đất của gia đình ông L. Bà N yêu cầu Tòa án buộc ông L trả lại 124,3m2 đất và yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông L.

 UBND huyện H có công văn trả lời Tòa án về việc đã cấp GCNQSDĐ cho ông L.

Tại 01 biên bản xác minh, đại diện UBND xã C và ông Trần Văn X trưởng thôn cung cấp:Diện tích đất tranh chấptrước đây là đất đám mạ do UBND xã quản lý. Khoảng năm 1983 khu dân cư lấy đất làm lò nên thành đất thùng vũng, không ai sử dụng. Năm 1987 ông T trồng tre trên một phần thửa đất. Đến năm 2013 diện tích đất này không có tranh chấp.

 Với nội dung vụ án nêu trên, TAND huyện H đã giải quyết:Không chấp nhận toàn bộ các yêu cầu của ông T, bà N.Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông L. Xác định ông L có quyền sử dụng đất thửa số 74, tờ bản đồ số 70 diện tích thực tế 599,4m2 đã được cấp GCNQSDĐ ngày 25/10/2013. Giao cho ông T quản lý, sử dụng diện tích 16m2 đất đã làm nhà cấp 4 thuộc thửa đất số 74 tờ bản đồ số 70 trị giá 6.400.000 đồng... nhưng phải có nghĩa vụ trả cho ông L 6.400.000 đồng. Giao cho ông L quản lý, sử dụng thửa đất số 74, tờ bản đồ số 70 diện tích còn lại là 583,4m2. Buộc ông T và bà N phải tháo dỡ tường bao đã xây dựng trên đất tranh chấp.

Sau khi Tòa án xét xử sơ thẩm ông T, bà N, ông L đều có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm. Xem xét việc giải quyết vụ án, thấy Tòa án đã có những vi phạm thiếu sót như sau:

Tòa án đã xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án trong đó có bà N, UBND huyện H, UBND xã C. Nhưng trong hồ sơ vụ án không có tài liệu thể hiện Tòa án đã có văn bản thông báo thụ lý vụ án, giao văn bản thông báo thụ lý vụ án cho các đương sự này. Dẫn đến việc đại diện UBND xã C; UBND huyện H không có bản tự khai ý kiến của mình đối với việc giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án, là vi phạm quy định tại Điều 171, Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự.

 Sau khi Tòa án thụ lý vụ án giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông T thì bà N cũng có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông L trả lại cho bà 124,3m2 đất và yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông L (Tòa án đã xem xét giải quyết các yêu cầu này của bà N), nhưng Tòa án không có văn bản thông báo về việc thụ lý giải quyết yêu cầu của bà N cho các đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp là không đúng quy định tại Điều 196, Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự.

Tòa án không thông báo về việc mở phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải cho UBND xã C, UBND huyện H; không giao các quyết định xét xử, quyết định hoãn phiên tòa, quyết định tạm ngừng phiên tòa, thông báo thay đổi lịch xét xử cho UBND xã C, UBND huyện H nên UBND xã C, UBND huyện H không được tham gia các phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ, phiên hòa giải và phiên tòa. Việc Tòa án mở phiên họp, phiên hòa giải và xét xử vụ án vắng mặt đại diện UBND xã C, UBND huyện H là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vi phạm các Điều 171, Điều 208, Điều 209, Điều 227, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự.

Các đương sự tranh chấp quyền sử dụng đất, nhưng Tòa án chỉ tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, đo đạc diện tích đất hộ ông L đang quản lý sử dụng và phần diện tích đất tranh chấp, mà không xem xét thẩm định tại chỗ, đo đạc toàn bộ phần diện tích đất hiện gia đình ông T, bà N đang sử dụng (đều liền kề với diện tích đất tranh chấp).

Tại trang 01 biên bản thẩm định có ghi thành viên Hội đồng thẩm định có ông Trần Văn H, ông Hoàng Hải S đều là cán bộ đo đạc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và biên bản có ghi là có sơ đồ thửa đất kèm theo. Nhưng biên bản không có chữ ký của ông H, ông S. Nên không có căn cứ xác định ông H, ông S có tham gia đo đạc thẩm định hay không. Việc Tòa án sử dụng tài liệu là biên bản thẩm định, sơ đồ thửa đất (có chữ ký của người thực hiện là ông Hoàng Hải S) để giải quyết vụ án là không đúng quy định tại Điều 101 Bộ luật tố tụng dân sự.

Ông T, bà N đều cho rằng diện tích đất tranh chấp là của ông T, bà N. Ông T đã trồng tre trên đất tranh chấp. Ông L đã xây tường bao ngăn cách đất ông đang sử dụng với diện tích đất tranh chấp từ năm 1986. Tại biên bản thẩm định đã xác định trên đất tranh chấp có 01 búi tre. UBND xã C và ông Trần Văn X (trưởng thôn) cung cấp năm 1987 ông T đã trồng tre trên một phần thửa đất tranh chấp. Nên có căn cứ để xác định ông T đã trồng tre, quản lý sử dụng đất này trước khi ông L được cấp GCNQSDĐ. Việc UBND xã C lập hồ sơ xác nhận toàn bộ diện tích đất 615,4m2 đất (trong đó có cả diện tích đất do ông T, bà N quản lý, sử dụng từ năm 1987) là đất do hộ ông L tự cải tạo, sử dụng vào mục đích đất ở từ năm 1986 để UBND huyện H cấp GCNQSDĐ cả phần diện tích đất hiện các đương sự đang tranh chấp cho ông L là không đúng sự thật, không có căn cứ, không đảm bảo quyền lợi cho ông T, bà N. Việc ông T và bà N khởi kiện là có cơ sở để được chấp nhận, nhưng Tòa án lại bác toàn bộ yêu cầu của ông T, bà N là không đúng.

Để đảm bảo giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên đương sự, Viện KSND tỉnh B đã ra quyết định kháng nghị toàn bộ bản ándân sự sơ thẩm. Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh B giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, xử  hủy bản ándân sự sơ thẩm để giải quyết lại vụ án./.

Nguyễn Thị Tuyết - Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,697,259
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.244.44

    Thư viện ảnh