.

Thứ bảy, 20/04/2024 -07:25 AM

Nhận diện vi phạm thông qua việc giải quyết đơn đề nghị xem xét lại Quyết định không mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân huyện H

 | 

Ngày 05/8/2019 anh A có đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện H (TAND) mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH một thành viên T (viết tắt là Công ty T), lý do: Ngày 20/11/2016 anh A có cho Công ty T do ông Nguyễn Văn T đại diện theo pháp luật vay số tiền 01 tỷ đồng, thời hạn vay là 02 tháng. Quá thời hạn ông T không trả nợ mà chỉ có xác nhận công nợ với anh A vào các ngày 23/01/2017, 01/2/2017.

Ngày 14/8/2019 TAND huyện H đã thụ lý vụ án theo đề nghị của anh A. Sau khi thu thập tài liệu chứng cứ Tòa án đã nhận định: Anh A và Công ty T chưa có việc thương lượng với nhau về việc giải quyết khoản nợ đến hạn; Công ty T còn có tài sản, còn có khả năng thanh toán nợ cho anh A; có căn cứ chứng minh Công ty T chưa lâm vào tình trạng phá sản và Tòa ánđã căn cứ khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 8, khoản 2 Điều 9, Điều 37, khoản 2 Điều 40, khoản 5, khoản 6 Điều 42, khoản 3 Điều 43, Điều 44 Luật phá sản để ra Quyết định không mở thủ tục phá sản đối với Công ty T.

Không đồng ý quyết định của TAND huyện H, anh A có đơn đề nghị xem xét lại quyết định này.

Qua nghiên cứu xem xét các căn cứ lý do TAND huyện H ra quyết định không mở thủ tục phá sản như đã nêu trên thấy rằng:

Điều 37 Luật phá sản 2014 quy định về việc: “Thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn.

Tòa án nhân dân ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.

2. Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

3. Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật này.

4. Việc thương lượng của các bên theo quy định tại Điều này không được trái với quy định của pháp luật về phá sản.

 Điều luật trên quy định về thời hạn cho các bên thương lượng với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Việc các bên đương sự chưa thương lượng với nhau về việc giải quyết khoản nợ không phải lý do để Tòa án không mở thủ tục phá sản.

Do vậy, việc TAND huyện H cho rằng các bên chưa thương lượng với nhau về việc giải quyết khoản nợ đến hạn và căn cứ Điều 37 Luật phá sản để ra quyết định không mở thủ tục phá sản là không có căn cứ, không phù hợp.

Tại khoản 1 Điều 4 Luật phá sản đã quy định: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Ngày 20/11/2016 anh A cho Công ty T vay số tiền 01 tỷ đồng, thời hạn vay là 02 tháng. Đến thời hạn trả nợ, Công T không trả tiền cho anh A mà chỉ có xác nhận công nợ vào các ngày 23/01/2017, 01/2/2017. Nên việc anh A để nghị mở thủ tục phá sản đối với Công ty T là có cơ sở để được chấp nhận. Việc TAND huyện H cho rằng, Công ty T còn tài sản, còn có khả năng thanh toán nợ cho anh A để ra quyết định không mở thủ tục phá sản là không có căn cứ.

TAND tỉnh B đã căn cứ khoản 1 Điều 4, Khoản 7 Điều 44 Luật phá sản năm 2014; điểm c Khoản 5 Điều 214 BLTTDS chấp nhận đề nghị xem xét lại Quyết định không mở thủ tục phá sản của anh T, hủy Quyết định không mở thủ tục phá sản số của TAND huyện H, chuyển hồ sơ cho TAND huyện H giải quyết vụ việc./.

Giáp Thị Thủy - Phòng 10, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,700,234
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.222.67.251

    Thư viện ảnh