.

Thứ hai, 06/05/2024 -02:31 AM

Viện Kiểm sát kháng nghị đối với các bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm về tranh chấp hợp đồng tín dụng

 | 

Vụ thứ nhất:

Nguyên đơn là Ngân hàng với bị đơn ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị H ở huyện L đã ký kết các Hợp đồng tín dụng tổng số tiền vay 652.000.000đ; Thời hạn cho vay là 120 tháng; Mục đích vay để bổ sung vốn kinh doanh điện thoại, vay tiêu dùng và vay mở thẻ tín dụng; Lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm giải ngân là 11,5%/năm. Tài sản đảm bảo cho vay của các hợp đồng trên là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại địa chỉ làng A, do UBND huyện L cấp ngày 05/01/2013, theo hợp đồng thế chấp ngày 01/8/2017 được các bên ký kết bằng văn bản, được công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định của pháp luật. 

Quá trình thực hiện hợp đồng, ông T và bà H không thực hiện đúng nghĩa vụ, Ngân hàng chuyển nợ xấu kể từ tháng 6/2018 và khởi kiện ra Tòa án yêu cầu ông T và bà H trả tổng số tiền là 904.187.808đ (gốc 614.118.359đ, lãi trong hạn 261.053.795đ, phạt chậm trả lãi là 29.015.654đ). Nếu ông T và bà H thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng tự mình hoặc có quyền đề nghị cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mại tài sản mà bà H đã thế chấp nêu trên. Bị đơn ông T, bà H, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt không có lời khai. Tòa án đã thực hiện việc niêm yết các văn bản tố tụng theo quy định. 

Với nội dung vụ án nêu trên, Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2020/KDTM-ST ngày 13/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện L đã giải quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện nêu trên của Ngân hàng, ông T và bà H phải chịu 39.125.000đ án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm....

Ngày 25/02/2020 Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra Quyết định số 02/2020/QĐ-SCBSBA sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm: Do ông T là người cao tuổi, căn cứ điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH-14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội miễn án phí sơ thẩm kinh doanh thương mại có giá ngạch cho ông Nguyễn Văn T số tiền 19.562.500đ…

Xem xét tài liệu có trong hồ sơ và việc giải quyết vụ án, thấy Tòa án nhân dân huyện L có vi phạm như sau:

Vi phạm trong việc ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án không đúng

Ông T sinh ngày 15/01/1960, tính đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án, ông T đã trên 60 tuổi. Căn cứ Điều 2 Luật người cao tuổi ông T là người cao tuổi.

Theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/NQ ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn án phí. Mặc dù ông T là người cao tuổi, nhưng vì hộ gia đinhg ông T và bà H là hộ kinh doanh cá thể, có giấy phép đăng ký kinh doanh, đã vay vốn Ngân hàng để kinh doanh vì mục đích lợi nhuận. Khi Ngân hàng khởi kiện đối với ông T và bà H, Tòa án đã xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng. Nên ông T không thuộc trường hợp được miễn án phí.

Tòa án đã giải quyết: Buộc ông T và bà H phải chịu 39.125.000 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là đúng quy định của pháp luật.

Hơn nữa, việc Tòa án không miễn án phí cho ông T không phải do lỗi chính tả, về số liệu do nhầm lẫn, tính toán sai; không thuộc trường hợp được ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự.

Việc Tòa án ra Quyết định số 02/2020/QĐ-SCBSBA ngày 25/02/2020, sửa chữa bản án sơ thẩm, miễn án phí kinh doanh thương mại cho ông T là thực hiện không đúng quy định tại Điều 268 Bộ LTTDS năm 2015 về việc đính chính sửa chữa, bổ sung bản án; việc miễn án phí cho ông T cũng không đúng quy định của pháp luật về miễn án phí (Điều 12 Nghị quyết số 326/NQ ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội), gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Vi phạm trong việc giải quyết yêu cầu phạt vi phạm và tuyên án không đầy đủ:

Tòa án buộc bà H, ông T phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng số tiền phạt chậm trả lãi là 29.015.654 đồng là giải quyết không đúng quy định của Điều 91, 95 Luật các tổ chức tín dụng; Điều 8, Điểu 13 củaNghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi xuất, phạt vi phạm.

Theo hướng dẫn tại Án lệ số 08/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 17/10/2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án TAND tối cao và Điều 13 Nghị quyết 01/22019/NQ-HĐTP  ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và thì tại phần quyết định của bản án, Tòa án phải quyết định là “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay”.

Nhưng Tòa án lại quyết định là: “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (14/02/2020) ông T và bà H còn phải tiếp tục chịu lãi theo mức lãi xuất thỏa thuận tại Hợp đồngtín dụng …của số tiền nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán hết nợ” là tuyên án chưa đầy đủ, không đảm bảo quyền lợi của các đương sự.  

Ngoài ra, Tòa án còn có vi phạm là thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ, tuyên án không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án sau này: Tòa án không thu thập Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh của bà H làm căn cứ xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và nghĩa vụ chịu án phí cho đương sự; không yêu cầu Ngân hàng giao nộp các chứng từ kế toán chứng minh việc ngân hàng giải ngân số tiền trong các hợp đồng tín dụng, việc thanh toán tiền nợ gốc và nợ lãi của ông T và bà H làm căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng; quyết định của bản án trích nêu ký hiệu của hợp đồng tín dụng không đúng sẽ gây khó khăn cho công tác thi hành án sau này về việc tính lãi theo hợp đồng tín dụng; Ban hành Bản án không đúng mẫu số 52, ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTPngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; về tuyên quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu thi hành án trong bản án; viện dẫn căn cứ Luật tổ chức tín dụng năm 2010 là không đúng mà đúng là “Luật các tổ chức tín dụng năm 2010”. 

Viện KSND tỉnh B đã ban hành kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND tỉnh B xét xử theo hướng: Sửa bản án sơ thẩm, khắc phục những vi phạm thiếu sót như đã nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết vụ án.

Vụ thứ hai:  

Nguyên đơn là Ngân hàng trình bày: Ngân hàng với anh Nông Văn Hvà chị Vi Thị M đã ký kết hợp đồng tín dụng ngày 13/6/2018; số tiền vay là 300.000.000đ; mục đích là kinh doanh tạp hóa; thời hạn vay là 12 tháng; ngày trả nợ cuối cùng là ngày 13/6/2019. Tài sản thế chấp là 01 thửa đất diện tích 1.460m2 thôn K, xã A, huyện S theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSD đất) được cấp ngày 15/9/2000 mang tên hộ ông Nông Văn M.

Khi đến hạn thanh toán tiền gốc và lãi anh H, chị M không thực hiện trả tiền cho Ngân hàng. Tính đến ngày 07/02/2020 dư nợ gốc là 300.000.000đ, tiền lãi 57.197.917đ; tổng cộng là 357.197.917đ. Ngân hàng đề nghị Tòa án giải quyết, buộc anh H, chị M phải trả đầy đủ gốc, lãi và yêu cầu xử lý tài sản thế chấp nêu trên để thu hồi nợ theo quy định pháp luật.  

Anh Nông Văn H xác định việc ký kết hợp đồng tín dụng, số tiền còn nợ và thế chấp tài sản như trình bày của Ngân hàng là đúng. Do làm ăn bị thua lỗ anh đề nghị gia hạn thời hạn trả nợ. Việc xử lý tài sản thế chấp của bố anh, đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chị Vi Thị M vắng mặt tại nơi cư trú, Tòa án không thu thập được lời khai của chị M và tiến hành niêm yết các văn bản tố tụng; Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nông Văn M xác định số tiền anh H, chị M vay bao nhiêu ông không biết; ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo quy định pháp luật ông đồng ý, nhưng ông đề nghị chỉ xử lý tài sản là diện tích đất vườn cùng tài sản trên đất, còn 360m2 diện tích đất ở và nhà thì ông xin được giữ lại để làm chỗ ở tuổi già. Ông đã chuyển khẩu và sống cùng con trai cả là anh Nông Văn B từ năm 2011. Tài sản là QSD đất trên là của vợ chồng ông nhưng vợ ông là bà Trần Thị V đã chết từ năm 2017 nên tài sản này là của ông. 

Với nội dung vụ án nêu trên, Bản án kinh doanh thương mạisơ thẩm số 01/2020/KDTM-ST ngày 07/02/2020của Toà án nhân dân huyện S đã giải quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng như đã nêu trên; miễn toàn bộ án phí cho anh H, chị M vì là hộ nghèo....

Xem xét tài liệu có trong hồ sơ và việc giải quyết vụ án, thấy Tòa án nhân dân huyện S có vi phạm như sau:

Vi phạm trong việc nêu, nhận định, đánh giá chứng cứ:

Trong Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng với anh H và chị M, tại Điều 6 thể hiện “Bảo đảm tiền vay: Không có đảm bảo bằng tài sản”; Báo cáo thẩm định ngày 13/6/2018 của Ngân hàng tại “mục 4: Đánh giá về tài sản bảo đảm tiền vay: Cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; khách hàng tự nguyện giao giấy tờ về tài sản”. Như vậy Ngân hàng cho anh H, chị M vay tiền không có bảo đảm bằng tài sản. Trong hồ sơ vụ án không có tài liệu chứng cứ là hợp đồng thế chấp tài sản.

Việc Ngân hàng khai cho vay với tài sản thế chấp là 01 thửa đất diện tích 1.460m2 thôn K, xã A, huyện S theo GCNQSD đất được cấp ngày 15/9/2000 mang tên hộ ông Nông Văn M và việc Tòa án nhận định “..Trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 2509LAV201801533 ngày 13/6/2018 do anh Nông Văn H ký vào hợp đồng đã được ông Nông Văn M ủy quyền cho thế chấp. Việc thế chấp tài sản để đảm bảo khoản vay được ký kết giữa các bên là hoàn toàn tự nguyện, được chủ sở hữu tài sản đồng ý thế chấp, đăng ký thế chấp và chứng thực đúng quy định, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật cả về nội dung và hình thức; căn cứ Điều 320, 323 của Bộ luật dân sự, công nhận hợp đồng thế chấp tài sản nói trên giữa các bên là hợp pháp”  là không đúng; không có căn cứ.

Do vậy việc Tòa án giải quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng về việc xử lý tài sản của hộ ông M là thửa đất theo GCNQSDĐ do UBND huyện S cấp ngày 15/9/2000 diện tích 1.460m2 là không đúng quy định của pháp luật, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của hộ ông M.

Hộ ông Nông Văn M được UBND huyện S cấp GCNQSDĐ ngày 15/9/2000. Tại Biên bản ghi lời khai ngày 04/10/2019 ông M trình bày bà Trần Thị V, là vợ ông đã chết năm 2017. Tòa án không xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ hộ gia đình ông M tại thời điểm được cấp GCNQSD đất gồm những ai, chưa làm rõ bà V còn sống hay đã chết để đưa những người thuộc hàng thừa kế của bà V tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là không đảm bảo quyền lợi của các đương sự, vi phạm khoản 4 Điều 68 Bộ LTTDS

Bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Phần quyết định của bản án chỉ quyết định: Chấp yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, buộc anh H, chị M phải trả cho Ngân hàng số tiền là: 357.197.917đ và lãi phát sinh cho đến khi thanh toán xong nợ và các khoản chi phí tố tụng khác....là tuyên án không đầy đủ, rõ ràng, không tuyên rõ số tiền gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng số ngày tháng năm nào và không tuyên Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay” là không đảm bảo quyền lợi của các đương sự và không đúng quy định của pháp luật, như vụ án thứ nhất đã nêu trên.

Quyết định của bản án nêu “Ngân hàng được quyền yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Q619876 do UBND huyện S cấp ngày 15/9/2000 ...” là không đúng, chưa phù hợp, gây khó khăn cho công tác thi hành án sau này (giấy chứng nhận QSD đất chỉ là văn bản chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật đất đai năm 2013; Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 8 Điều 6 Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 và văn bản hướng dẫn xét xử số 141/TANDTC-KHXX  ngày 21/9/2011 của Tòa án nhân dân tối cao)

Viện KSND tỉnh B đã ban hành kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND tỉnh B xét xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm phầntuyên lãi xuất, án phí; Hủy một phần bản án về giải quyết tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo GCNQSD đất do UBND huyện S cấp ngày 15/9/2000 của hộ ông Nông Văn M, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung./.

Giáp Thị Thủy- Phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,840,971
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.118.150.80

    Thư viện ảnh