Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự của Tòa án thấy rằng, trong những năm vừa qua án tranh chấp về quyền sử dụng đất do Tòa án hai cấp tỉnh, huyện thuộc tỉnh Bắc Giang phải thụ lý giải quyết ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp. Tranh chấp xảy ra không chỉ ở thành phố nơi đất có giá trị cao mà còn xảy ra nhiều ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi đất còn có giá trị không lớn.
Tranh chấp quyền sử dụng đất xảy ra do nhiều nguyên nhân. Nhưng chủ yếu do nguyên nhân khách quan tác động của cơ chế thị trường làm cho giá trị đất tăng cao. Do nguyên nhân chủ quan về chính sách, pháp luật đất đai ở Việt Nam thường xuyên sửa đổi, bổ sung. Công tác quản lý nhà nước về đất đai có lúc, có nơi còn bị buông lỏng. Hồ sơ địa chính được thiết lập không đúng, không đầy đủ, không đồng bộ và bị thất lạc. Nhiều địa phương không thực hiện đúng trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), dẫn đến có việc cấp GCNQSDĐ chồng lấn, diện tích đất không đúng thực tế sử dụng, người sử dụng đất lấn chiếm đất trái phép, sử dụng đất không đúng ranh giới, mốc giới đất của mình...
Bên cạnh những vụ án tranh chấp quyền sử dụng diện tích đất lớn, đất có giá trị cao cũng còn không ít những vụ án tranh chấp xảy ra khi các bên đương sự đều đang quản lý, sử dụng diện tích đất rất lớn, đã được UBND xã phường tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng chỉ vì những chấp trách nhỏ nhặt trong cuộc sống, tính hơn thua, không nhường nhịn mà khởi kiện nhau ra Tòa để tranh chấp đất ranh giới. Giải quyết tranh chấp này, Tòa án các cấp phải mất rất nhiều công sức, thời gian. Đương sự phải vất vả đi lại tham gia giải quyết, có vụ còn phải chịu số tiền chi phí tố tụng gấp nhiều lần giá trị đất tranh chấp. Sau mỗi vụ án mối quan hệ tình cảm gia đình, hàng xóm giữa các đương sự đều bị ảnh hưởng, như các vụ án nêu sau đây:
Gia đình ông Đinh và gia đình ông Thơ đã nhiều năm là hàng xóm sát liền kề với nhau.
Ông Đinh trình bày, năm 2014 ông được cấp đổi GCNQSDĐ diện tích 1.434m2. Đầu năm 2017 ông Thơ đã xây dựng bếp, nhà vệ sinh lấn sang đất nhà ông khoảng 2m2. Ông đã yêu cầu và được UBND xã tổ chức hòa giải để ông Thơ tháo dỡ tài sản trả lại đất cho ông nhưng ông Thơ không đồng ý. Ông Đinh khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Thơ tháo dỡ tài sản, trả lại đất cho ông.
Ông Thơ cho rằng năm 2014 ông được cấp đổi lại GCNQSDĐ diện tích 1.149m2. Đầu năm 2017 ông có xây dựng nhà bếp, nhà vệ sinh theo đúng phần đất của mình. Ông không xây dựng trên đất của ông Đinh, nên không chấp nhận yêu cầu của ông Đinh.
Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã kiên trì tổ chức hòa giải. Nhưng ông Đinh và ông Thơ vẫn giữ nguyên ý kiến quan điểm của mình. Tòa án đã tiến hành thẩm định tại chỗ và định giá đất tranh chấp có giá 220.000đ/m2; thuê cơ quan có chức năng đo đạc toàn bộ thửa đất của ông Đinh, ông Thơ và phần diện tích đất tranh chấp. Chi phí đo đạc hết số tiền là 11.853.000đ. Tòa án đã xác định diện tích đất tranh chấp là 2,589m2 trị giá 569.000đ nằm trong diện tích đất ông Đinh đã được cấp GCNQSDĐ, thuộc quyền sử dụng của ông Đinh. Do ông Thơ đã xây dựng công trình kiên cố trên đất nên đã xử giao cho ông Thơ được sử dụng diện tích đất này nhưng phải thanh toán trả bằng tiền cho ông Đinh và ông Thơ phải chịu toàn bộ số tiền chi phí đo đạc nêu trên.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Đinh và ông Thơ đều kháng cáo không đồng ý án sơ thẩm. Ông Đinh không đồng ý nhận bằng tiền mà yêu cầu ông Thơ phải tháo dỡ tài sản, trả lại đất. Ông Thơ thì vẫn cho rằng không lấn chiếm đất của ông Đinh.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã tiến hành phân tích, hòa giải nhưng ông Đinh và ông Thơ vẫn cương quyết giữ nguyên ý kiến quan điểm của mình. Ông Đinh trình bày diện tích đất tranh chấp là của ông, nếu ông Thơ xin thì ông cho. Ông Thơ cũng khẳng định diện tích đất tranh chấp là của ông nên ông không phải xin. Căn cứ kết quả đo đạc, Tòa án cấp phúc thẩm đã xác định lại diện tích đất tranh chấp là 1,7m2 có giá trị 374.000đ, không phải như Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định là 2,589m2 có giá trị 569.000đ. Nên Tòa án cấp phúc thẩm đã phải sửa bản án sơ thẩm về số diện tích đất, giá trị đất tranh chấp, các nội dung khác giữ nguyên như án sơ thẩm đã xử.
Trong một vụ án khác, gia đình bà Lan và gia đình ông Thảo cũng là hàng xóm liền kề, nhiều năm sống hòa thuận, vui buồn đều có nhau. Đến khi nhà ông Thảo tháo dỡ nhà cũ để xây dựng nhà mới thì hai bên xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất. Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã giải quyết xác định diện tích 3m2 đất trị giá 500.000đ thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn là bà Lan, buộc bị đơn ông Thảo phải tháo dỡ công trình xây dựng trên đất để trả lại đất cho bà Lan. Do ông Thảo khiếu nại, Tòa án nhân dân cấp cao đã kháng nghị giám đốc thẩm đối và xử hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại vụ án. Khi thụ lý giải quyết lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm phải thực hiện thủ tục đào cả phần móng diện tích đất tranh chấp để tìm căn cứ giải quyết vụ án. Sau khi Tòa án sơ thẩm xử xác định diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông Thảo, thì bà Lan lại kháng cáo. Nên vụ lại tiếp tục được Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý giải quyết.
Như vậy, chỉ vì diện tích đất nhỏ có giá trị không lớn mà các bên tranh chấp kiện nhau ra Tòa. Dẫn đến việc các cấp Tòa án phải giải quyết đi, giải quyết lại nhiều lần một vụ án. Gây tốn kém thời gian, công sức của cơ quan tố tụng, kinh phí của Nhà nước, của bản thân các bên tham gia tố tụng. Một vụ án dân sự tranh chấp phức tạp hay đơn giản, dễ hay khó giải quyết, giải quyết nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào mỗi bên đương sự. Khi xảy ra mâu thuẫn mỗi người nên có ý thức nhường nhịn lẫn nhan, tự thỏa thuận giải quyết và cân nhắc kỹ giữa cái được và mất trước khi khởi kiện một vụ án dân sự ra Tòa án./.
Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang