Để bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), lực lượng công an và chính quyền các địa phương trong tỉnh Bắc Giang xác định phải làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm ngay tại cơ sở. Một trong những nội dung quan trọng là tăng cường quản lý, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi, người đang chấp hành án tại cộng đồng dân cư.
Anh Bùi Đình L (SN 1979) ở thôn Muối, xã Lan Mẫu (Lục Nam) cuối tháng 5- 2019 bị TAND Lục Nam tuyên phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo về tội vận chuyển hàng cấm.
Công an phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) cùng cán bộ phường, tổ dân phố gặp gỡ, nắm bắt tâm tư trường hợp thuộc diện quản lý trên địa bàn.
Ông Nguyễn Năng Thanh, Trưởng Công an xã Lan Mẫu cho hay: "Anh L là lao động chính trong gia đình. Các con đang tuổi ăn học nên để ổn định cuộc sống, sau khi lập hồ sơ quản lý, phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục, xã tạo điều kiện cho anh tiếp tục công việc lái xe tải. Thay vì chạy đường dài liên tỉnh như trước, trong thời gian chấp hành án, anh L chuyển sang chạy xe chở vật liệu ở địa phương".
Không chỉ riêng anh L, trên địa bàn xã Lan Mẫu còn 4 đối tượng khác đang chấp hành án phạt cũng được lực lượng công an và các hội, đoàn thể quan tâm, giúp đỡ. Những năm qua, các đối tượng chấp hành án phạt tại xã Lan Mẫu đều có ý thức thực hiện việc báo cáo, kiểm điểm, không có trường hợp nào tái phạm khi chưa hết thời gian thử thách.
Tại phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang), cách đây hơn chục năm, khi mãn hạn tù trở về địa phương, ông Nguyễn Quang T (SN 1959) ở tổ dân phố Tiền Giang luôn lẩn tránh mọi người vì ngại quá khứ tội lỗi. Hiểu được tâm tư đó, cán bộ cảnh sát khu vực, tổ dân phố thường xuyên gặp gỡ, động viên. Nhiều năm qua, ông T là thành viên tích cực của đội xe ôm tự quản khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Có việc làm, ông T chuyên tâm lao động, chăm lo cho gia đình, tránh xa tệ nạn.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh có hơn 100 đối tượng chấp hành án treo và 20 trường hợp chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tại các xã, phường, thị trấn. Ở mỗi địa phương, sau khi tiếp nhận hồ sơ, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án (thường là lực lượng công an).
Ngoài ra có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để cùng cảm hóa, giáo dục. Tại một số nơi, ngoài phân công cán bộ, hội, đoàn thể giúp đỡ, chính quyền địa phương còn quan tâm tạo thuận lợi cho người chấp hành án được lao động, sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Tìm hiểu tại xã Yên Lư (Yên Dũng) được biết, xã đang quản lý 8 người chấp hành án treo. Từ nắm bắt tình hình, tâm tư của từng đối tượng, chính quyền địa phương nhận thấy nhiều người chấp hành án có nhu cầu xin việc làm nhưng gặp khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, UBND xã đã trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm kiếm cơ hội việc làm cho họ.
Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Ngọc A thôn Đa Thịnh đang chấp hành bản án 6 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội “Trộm cắp tài sản”. Sau khi được UBND xã đứng ra bảo lãnh, anh A đã được nhận vào làm tại một doanh nghiệp sản xuất gạch. Công việc phù hợp, có thu nhập nuôi sống bản thân, anh Nguyễn Ngọc A hứa sẽ cố gắng lao động, không đi vào con đường phạm pháp.
Điểm nổi bật trong hoạt động giúp người lầm lỗi của các ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở là gắn việc tái hòa nhập cộng đồng với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nhiều mô hình tốt trong quản lý giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi được xây dựng và hoạt động hiệu quả.
Tiêu biểu như đoàn thanh niên với mô hình “1+2” (mỗi đoàn viên giúp đỡ 2 thanh niên chậm tiến). Hội Phụ nữ các cấp phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh thành lập các CLB "Phụ nữ tự lực", "Thắp sáng niềm tin" làm điểm tựa cho phụ nữ yếu thế, chị em trước đây từng vướng vòng lao lý. Ngoài ra còn có các mô hình tổ liên gia tự quản ở khu dân cư... Nhờ sự quan tâm, phối hợp từ nhiều phía, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 58 trường hợp chấp hành án treo được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị và được giảm thời gian thử thách.
Nhiều năm trực tiếp tham gia kiểm sát công tác thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại các xã, phường, thị trấn, bà Lương Kim Thanh, Phó trưởng Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Viện KSND tỉnh) nhìn nhận: "Để làm tốt hơn công tác quản lý người đang chấp hành án tại địa phương, trước hết bản thân đối tượng thuộc diện này phải tự giác, quyết tâm sửa chữa sai lầm. Cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường giáo dục pháp luật thông qua gặp gỡ, trao đổi giữa các ngành chức năng và người đang chấp hành án để kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện không chấp hành nghiêm. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, rút kinh nghiệm đối với đội ngũ cán bộ được phân công thực hiện công tác này ở cơ sở".
Nguồn: baobacgiang.com.vn