Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 326). Nghị quyết đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đến nay đã được hơn hai năm. Nhưng khi giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình Tòa án cấp sơ thẩm vẫn hay mắc phải các vi phạm thiếu sót trong việc giải quyết án phí; buộc đương sự phải chịu mức án phí không đúng; không miễn hoặc miễn án phí cho đương sự không đúng quy định; gây thất thu Ngân sách Nhà nước; ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của người dân; bản án, quyết định bị Viện kiểm sát kháng nghị; Tòa án cấp trên phải sửa án; gây kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Các dạng vi phạm cụ thể như sau:
1. Buộc bị đơn phải chịu án phí không đúng:
Nguyên đơn là anh Nguyễn Tiến S (bên nhận chuyển nhượng) và bị đơn là anh Đặng Văn H (bên chuyển nhượng) đã viết giấy chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất số 02 có diện tích 309m2. Anh S đã thanh toán trả cho anh H 500.000.000đ. Nhưng sau đó hai bên không thực hiện được hợp đồng do trước đó anh H đã bán cho anh T một phần thửa đất số 02. Anh S đã khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh và anh H là vô hiệu và đề nghị Tòa án giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu, buộc anh H trả lại cho anh 500.000.000đ. Anh H đề nghị Tòa án công nhận hợp đồng có hiệu lực đối với phần diện tích đất còn lại sau khi anh đã bán cho anh T; anh không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của anh S.
Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H đã giải quyết tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh S và anh H là vô hiệu; buộc anh H phải trả lại cho anh S 500.000.000đ và buộc anh H phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm.
Xem xét việc Tòa án giải quyết phần án phí của vụ án nêu trên, thấy như sau:
Tại điểm b khoản 3 Điều 27 Nghị quyết số 326 đã quy định, đối với tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau: Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì ngoài việc chịu án phí không có giá ngạch được quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, người phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc bồi thường thiệt hại phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với giá trị tài sản phải thực hiện nghĩa vụ) và căn cứ danh mục mức án phí ban hành kèm theo Nghị quyết số 326 thì anh H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000đ và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với số tiền 500.000.000đ phải trả cho anh S là 20.000.000đ + 100.000.000đ x 4% = 24.000.000đ. Tổng cộng anh H phải chịu 24.300.000đ án phí dân sự sơ thẩm.
Việc Tòa án chỉ buộc anh H phải chịu 300.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật như đã nêu trên; gây thất thu cho ngân sách nhà nước 24.000.000đ.
2. Miễn án phí không đúng:
Nguyên đơn ông Vương Văn K đã cho bị đơn ông Tạ Đình T vay số tiền 2.100.000.000đ. Ông K đã khởi kiện yêu cầu ông T phải trả cho ông số tiền này. Ông K có đơn trình bày, ông là người cao tuổi, hoàn cảnh khó khăn, đề nghị Tòa án cho ông miễn nộp tiền án phí. Ông Tạ Đình T đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông K.
Khi Tòa án tiến hành hòa giải, hai bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Ông T đồng ý trả cho ông K 2.100.000.000đ. Ông K tự nguyện chịu cả án phí dân sự sơ thẩm.
TAND huyện V đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, ông T có nghĩa vụ trả cho ông K 2.100.000.000đ. Án phí ông K tự nguyện chịu cả. Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho ông K.
Xem xét việc Tòa án giải quyết phần án phí của vụ án nêu trên thấy như sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326; danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326 thì tiền án phí dân sự sơ thẩm ông K và ông T mỗi người phải chịu là [(72.000.000đ + 100.000.000đ x 2%)] : 2 : 2 = 18.500.000đ.
Đến ngày Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ông K đã trên 60 tuổi. Theo quy định tại Điều 2 Luật người cao tuổi, ông K là người cao tuổi. Ông K đã có đơn xin miễn án phí. Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 ông K được miễn án phí. Ông T không thuộc trường hợp được miễn án phí. Nên ông T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Do khi Tòa án tiến hành hòa giải ông K nhận chịu toàn bộ án phí, nên căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị quyết số 326 thì ông K chỉ được miễn phần án phí ông K phải chịu là 18.500.000đ. Còn lại phần án phí của ông T 18.500.000đ ông K phải nộp, không được miễn.
Việc Tòa án miễn toàn bộ tiền án phí cho ông K là không đúng các quy định đã viện dẫn nêu trên, gây thất thu ngân sách Nhà nước số tiền 18.500.000đ.
3. Không miễn án phí cho người thuộc trường hợp được miễn án phí:
Nguyên đơn bà Tạ Thị T đã cho bị đơn chị Nguyễn Thị H vay 490.000.000đ, đến hạn thanh toán chị H không trả. Nên bà T khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc chị H phải thanh toán trả cho bà 490.000.000đ và tiền lãi theo quy định của pháp luật. Chị H thừa nhận đã vay 490.000.000đ của bà T, đề nghị được trả nợ dần.
Bà T có đơn trình bày, bà là người cao tuổi đề nghị Tòa án miễn án phí và Tòa án có thông báo về việc cho bà T được miễn nộp tiền tạm ứng án phí.
Khi Tòa án tiến hành hòa giải, bà T yêu cầu chị H phải thanh toán trả cho bà tổng cộng là 890.000.000đ tiền gốc và tiền lãi; yêu cầu chị H chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Chị H nhất trí với yêu cầu của bà T và nhất trí chịu án phí theo quy định của pháp luật. TAND huyện L đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, chị H có nghĩa vụ thanh toán trả cho bà T 890.000.000đ. Chị H chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm là 19.350.000đ. Bà T không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Xem xét việc Tòa án giải quyết án phí của vụ án thấy như sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326; danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326 thì tiền án phí dân sự sơ thẩm bà T, chị H mỗi người phải chịu là [(36.000.000đ + 90.000.000đ x 3%) : 2] : 2 = 9.675.000đ.
Đến ngày Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự bà T đã trên 60 tuổi. Theo quy định tại Điều 2 Luật người cao tuổi, bà T đều là người cao tuổi. Bà T đã có đơn xin miễn án phí. Tòa án đã có văn bản thông báo cho bà T được miễn nộp tiền tạm ứng án phí. Bà T đã không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 bà T thuộc trường hợp được miễn án phí dân sự sơ thẩm. Chị H chỉ phải chịu 9.675.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm (phần chị Huyền phải chịu).
Nhưng Tòa án không miễn án phí cho bà T, mà vẫn buộc chị H phải chịu 19.350.000đ (gồm cả phần án phí bà T phải chịu 9.675.000đ) là nhiều hơn so với quy định của pháp luật 9.675.000đ, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chị Huyền./.
Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9