Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì quan hệ hôn nhân phải được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản là: Tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; cấm kết hôn giải tạo. Nhưng thực tế trong xã hội, có những mối quan hệ hôn nhân không được xây dựng trên những nguyên tắc này. Một số người chỉ vì muốn được định cư ở nước ngoài đã làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài (kết hôn giả), nhưng kết cục không được định cư ở nước ngoài mà lại phải khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình của Tòa án thấy rằng, hiện nay các vụ án “Tranh chấp hôn nhân gia đình” sơ thẩm có yếu tố nước ngoài (có đương sự là người nước ngoài) được Tòa án thụ lý giải quyết phát sinh ngày càng nhiều. Trong năm 2018 và 02 tháng đầu năm 2019 Tòa án nhân dân tỉnh B đã thụ lý giải quyết 115 vụ (tăng 45 vụ so với cùng kỳ năm trước).
Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ các vụ án nêu trên thấy, có nhiều vụ án có nội dung giống nhau như: Nguyên đơn là người Việt Nam, bị đơn là người nước ngoài. Sau khi được cấp giấy chứng nhận kết hôn nguyên đơn và bị đơn không chung sống cùng nhau. Nguyên đơn ở Việt Nam, bị đơn về nước ngoài sinh sống. Giữa hai người không có con chung, tài sản chung. Sau nhiều năm kết hôn nguyên đơn không được phép định cư ở đất nước của bị đơn, nên nguyên đơn đã khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết cho ly hôn với bị đơn.
Chị Nguyễn Thị H là nguyên đơn trong một vụ án đã tâm sự, chị đã phải trả rất nhiều tiền cho người môi giới giới thiệu anh N (là người có quốc tịch Mỹ) về Việt Nam làm thủ tục đăng ký kết hôn với chị, mục đích để anh N làm thủ tục bảo lãnh cho chị được xuất cảnh định cư ở nước Mỹ. Sau 5 năm kể từ khi đăng ký kết hôn, hồ sơ bảo lãnh của chị không được thông qua, chị vẫn không được phép nhập cư vào nước Mỹ. Vì đã được cấp giấy chứng nhận kết hôn với anh N, nên chị lại phải trả chi phí để anh N về Việt Nam, đến Tòa án làm thủ tục ly hôn.
Cũng là nguyên đơn trong một vụ án chị Trần Thị B trình bày, trong thời gian lao động ở nước ngoài chị có quen biết anh A (là người có quốc tịch Hàn Quốc). Chị và anh A đã thỏa thuận, chị trả tiền cho anh A để anh A sang Việt Nam làm thủ tục đăng ký kết hôn với chị, sau đó anh A làm thủ tục bảo lãnh cho chị sang định cư ở Hàn Quốc. Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận kết hôn, anh A về Hàn Quốc thay đổi địa chỉ chỗ ở, không làm thủ tục bảo lãnh và cắt đứt mọi liên lạc với chị. Chị đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với anh A, vì không cung cấp địa chỉ hiện nay của anh A cho Tòa án.
Sau nhiều thời gian chờ đợi, thực hiện các thủ tục tố tụng cần thiết cuối cùng chị H, chị B đã được Tòa án giải quyết bằng bản án cho chị H được ly hôn với anh N; chị B được ly hôn với anh A.
Vụ việc của chị H, chị B nêu trên chỉ là một trong số nhiều trường hợp người Việt Nam đăng ký kết hôn với người nước ngoài để được định cư ở nước ngoài nhưng không thành lại phải khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết cho ly hôn. Việc khởi kiện của nguyên đơn cũng như việc giải quyết các vụ án này của Tòa án gặp rất nhiều khó khăn vì các thủ tục pháp lý có liên quan, nguyên đơn phải cung cấp được địa chỉ của bị đơn, Tòa án phải thực hiện các thủ tục tố tụng ủy thác tư pháp, chở kết quả ủy thcs tư pháp...Có nhiều trường hợp bị đơn thay đổi địa chỉ không thông báo cho nguyên đơn biết, bị đơn đã nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án nhưng không hợp tác, không đến Tòa án hoặc không gửi văn bản cho Tòa án để trình bày ý kiến quan điểm của mình đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, dẫn đến việc vụ án bị kéo dài thời gian giải quyết.
Việc giải quyết các vụ án như nêu trên là bài học cho những ai có tư tưởng “xuất ngoại” bằng việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài, tránh việc vừa bị mất tiền lại phải nhận một bản án ly hôn./.
Nguyễn Thị Minh