Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Lạng Giang liên tiếp xảy ra những vụ cướp giật tài sản của người đi đường do có “sơ hở” trong việc quản lý tài sản của các nạn nhân, mà chủ yếu là phụ nữ có sử dụng túi xách khi điều khiển xe máy tham gia giao thông.
Cướp giật tài sản là tội phạm có tính chất rất nguy hiểm, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh xã hội và trật tự công cộng. Không như suy nghĩ của nhiều người tội phạm cướp giật thường chỉ hoạt động ban đêm, giờ đây, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội vào bất kì thời gian nào trong ngày, đặc biệt là vào thời điểm đường phố vắng, có ít người tham gia giao thông và khi người bị hại mất cảnh giác.
Hình minh hoạ
Chỉ trong thời gian từ ngày 21/12/2016 đến ngày 07/02/2017, các bị can Bùi Văn A, sinh năm 1996, trú tại thôn Nguyên, xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang và Hoàng Văn Q, sinh năm 1994 trú tại thôn Càn, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang cùng 03 đồng phạm khác đã thực hiện tổng số 07 vụ cướp giật tài sản của người đi đường trên địa bàn các xã của Lạng Giang và thành phố Bắc Giang, có ngày bọn chúng thực hiện liền 03 vụ trên đường di chuyển từ thành phố Bắc Giang lên huyện Lạng Giang. Thủ đoạn của các bị can là sử dụng xe mô tô chạy trên đường, khi thấy phụ nữ đi xe mô tô hoặc đi bộ một mình ở khu vực đường vắng, mang theo túi xách thì chúng sẽ đi xe áp sát để cướp giật rồi nhanh chóng tẩu thoát trước sự ngỡ ngàng của người bị hại. Các lần thực hiện hành vi phạm tội của A và Q đều hoàn thành do các đối tượng hoàn toàn chủ động. Tổng giá trị tài sản bọn chúng đã cướp giật được lên đến gần 50 triệu đồng, chủ yếu là tiền mặt và điện thoại di động. Vụ án đang được Cơ quan điều tra làm rõ để xử lý trước pháp luật.
Thông qua các vụ án cướp giật tài sản nêu trên, thiết nghĩ, người dân cần luôn nêu cao cảnh giác, có các biện pháp tự bảo vệ tài sản của mình trong quá trình tham gia giao thông như cất tài sản vào cốp xe hoặc có cách thức cất giữ tài sản an toàn, không nghe điện thoại khi đang lưu thông trên đường, không tạo cơ hội cho các đối tượng cướp giật dễ dàng gây án. Ngoài ra, khi đang di chuyển trên đường, nên quan sát gương chiếu hậu thường xuyên bởi các đối tượng cướp giật thường theo dõi, bám theo nạn nhân để chờ thời cơ thích hợp trước khi thực hiện hành vi cướp giật. Khi phát hiện thấy bị đối tượng khả nghi bám theo, người dân có thể dừng lại hoặc nhanh chóng di chuyển đến khu vực đông người. Khi không may bị cướp giật tài sản, người dân nên tránh phản xạ kéo, giành lại tài sản bởi tỉ lệ giật lại được tài sản thường không cao mà lại dễ gây tai nạn; thay vào đó, khi bị cướp giật, người dân nên cố gắng quan sát đặc điểm của đối tượng để trình báo lại với cơ quan công an, tạo điều kiện để lực lượng công an khoanh vùng, truy bắt đối tượng; đồng thời tri hô để có được sự trợ giúp từ quần chúng nhân dân xung quanh.
Tội Cướp giật tài sản là tội phạm được quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự, ngoài việc gây thiệt hại về tài sản, hành vi cướp giật lại rất dễ gây ra hậu quả không mong muốn, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Vì vậy, việc loại trừ những “sơ hở” của chủ sở hữu là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn loại tội phạm này.
Hà Thị Hiên – Viện KSND huyện Lạng Giang