.

Thứ sáu, 03/05/2024 -17:03 PM

Điều tôi biết về anh – Một Viện trưởng mẫu mực

 | 

Tôi biết anh từ khi anh còn làm cán bộ cấp Phòng thuộc Cục Cảnh sát kinh tế (C15) Bộ Công an. Đầu năm 2008, nhân chuyến công tác tại Cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh; trên đường về tôi ghé thăm một di tích ở Hà Tĩnh nằm trên quốc lộ 1, khi đi ra tôi thấy anh đi vào khu di tích. Tôi nói: “Gặp nhau ở đây thật là tuyệt. Chúc chú thượng lộ bình an, đi năm về mười nhé!”. Anh cười, bắt tay tôi rồi thân mật nói: “Cảm ơn anh! Lần này em về quê mà! Cố gắng làm tròn nhiệm vụ của quê hương giao cho anh ạ!”. Đấy là thời điểm Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Luật Nguyễn Hòa Bình đi nhận nhiệm vụ làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Hoàn thành nhiệm vụ Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đến tháng 01 năm 2011 anh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và đúng ngày kỷ niệm lần thứ 51 (26/7/2011) anh được Quốc hội bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Từ đó đến nay, tôi có dịp tiếp xúc, làm việc với anh nhiều hơn (mặc dù tôi đã nghỉ hưu trước khi anh về làm Viện trưởng). Không ít lần anh mời tôi lên cơ quan nói chuyện, trao đổi về công việc của Ngành, của cơ quan và có những việc anh nhờ tôi cùng tham gia với cơ quan như: Trao đổi kinh nghiệm tổ chức Hội nghị Kiểm sát viên tiêu biểu lần thứ hai; Tổ chức gian triển lãm của Viện kiểm sát nhân dân tại Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam 2015; Tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân.v.v. Năm 2015, anh cùng tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao tín nhiệm giao cho tôi trực tiếp là chủ biên cuốn sách “Tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn về các công tác của Viện kiểm sát nhân dân qua 55 năm tổ chức và hoạt động (26/7/1960-26/7/2015)”.

Ảnh: Đ/c Nguyễn Hoà Bình - Nguyên Viện trưởng VKSND tối cao

Tháng 01 năm 2016, Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, anh Nguyễn Hòa Bình tiếp tục tái đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, anh được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và ngày 08/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, anh đã được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao với số phiếu rất cao.

Như vậy sau một nhiệm kỳ làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, anh đã xa chúng tôi, xa ngành Kiểm sát nhân dân để nhận nhiệm vụ mới với trọng trách cao hơn. Ngày anh nhậm chức, tôi đến cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao chúc mừng anh, anh khiêm tốn, cười nói với tôi: “Anh Trần Quốc Vượng đã chuẩn bị sẵn rồi, em chỉ tiếp tục làm món tiếp bác ạ!”. Câu nói của anh rất khiêm nhường, nhưng việc làm của anh thì rất đáng trân trọng. Một năm sau, ngày 25/7/2012; tôi đã gửi cho anh và các anh, chị Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao một lá thư bày tỏ niềm vui mừng trước những kết quả mà ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong một năm qua.

Trong nhiệm kỳ làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, anh Nguyễn Hòa Bình đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc và dấu ấn đối với toàn ngành Kiểm sát nhân dân. Cụ thể:

1. Với vai trò là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, anh Nguyễn Hòa Bình luôn là người nêu cao vai trò gương mẫu trong công việc, trong cuộc sống đời thường và có nhân cách tốt. Tác phong giản dị, chân thành; luôn sâu sát cơ sở của anh đã được các đơn vị trong Ngành ghi nhận, quý trọng. Anh là người Viện trưởng vi hành nhiều nhất đến các đơn vị trong Ngành, từ vùng núi cao đến hải đảo xa xôi để lắng nghe, chỉ đạo công tác và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh chị em cán bộ cấp dưới. Khi đến các Viện kiểm sát địa phương, anh không chỉ ngồi nghe Lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương báo cáo, mà tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của từng cán bộ; đến thăm các cán bộ trong Ngành nghỉ hưu ở địa phương và động viên các gia đình cán bộ trong Ngành có hoàn cảnh khó khăn. Khi biết anh chuyển công tác, rất nhiều đơn vị, nhiều cán bộ đề nghị chụp ảnh lưu niệm với anh; điều đó thấy niềm tin yêu của cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân với anh rất lớn.

2. Với vai trò, trách nhiệm là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, anh Nguyễn Hòa Bình là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao. Anh cùng tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có chủ trương và quyết định đúng đắn về công tác đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ mới vào Ngành. Từ khi có quyết định giao cho các cơ sở đào tạo của Ngành tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ mới được tuyển dụng và sau đó đề xuất với Nhà nước cho thành lập Trường Đại học Kiểm sát. Việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là sự kiện đánh dấu bước chuyển về chất trong công tác đào tạo cán bộ; lần đầu tiên tổ chức lớp học bồi dưỡng chuyên sâu, cập nhật kiến thức mới về quản lý, chỉ đạo, điều hành cho các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đến cấp huyện để cập nhật kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ. Có những việc anh quyết định, đến nay vẫn còn ấn tượng rất tốt như: Lần đầu tiên anh quyết định tổ chức Hội nghị toàn Ngành đến các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội hoặc tổ chức gặp mặt các thế hệ cán bộ Kiểm sát từ khi thành lập Ngành nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân…

3. Anh Nguyễn Hòa Bình là người luôn nêu cao tính chủ động, năng động, sáng tạo trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Cụ thể là:

- Đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh; hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

- Kiên quyết thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai; giải quyết dứt điểm một số vụ án có dấu hiệu oan, sai, vụ án có đơn khiếu nại bức xúc kéo dài, được dư luận quan tâm; đẩy nhanh tiến độ, giải quyết nghiêm minh nhiều vụ án lớn về tội phạm tham nhũng, kinh tế; tập trung giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm...

- Đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu cải cách tư pháp như “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp”, “nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa”... và việc tổ chức trên 10.000 phiên tòa rút kinh nghiệm ở các cấp và ở tổ chức quy mô toàn quốc thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến, nhằm thiết thực nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên.

- Với vai trò là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, anh rất chú trọng và tăng cường vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đã chỉ đạo Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án vi phạm nghiêm trọng hoạt động tố tụng, bức cung, nhục hình, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh.

- Anh cùng tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; ban hành “Báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật năm 2015”, triển khai nghiên cứu, xây dựng, tiến tới phát hành “Sách trắng" về tình hình tội phạm, qua đó cung cấp cơ sở thực tiễn cho việc hoạch định chính sách đấu tranh phòng, chống tội phạm trong những năm tiếp theo. Mặt khác, từ kết quả công tác kiểm sát, anh đã chỉ đạo tổng hợp những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động tố tụng, hoạt động tư pháp, ban hành nhiều kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp, đề nghị chấn chỉnh quản lý, khắc phục vi phạm, loại trừ nguyên nhân dẫn đến vi phạm, làm tốt công tác phòng ngừa.

4. Bản thân anh Nguyễn Hòa Bình là người trực tiếp chỉ đạo và luôn tích cực, chủ động, tham gia xây dựng pháp luật, nhất là những đạo luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Hiến pháp năm 2013 đã có những nội dung kế thừa, phát triển chế định Viện kiểm sát nhân dân; việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng 02 dự án luật được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo là Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có công sức rất lớn của anh. Trong thời gian xây dựng các dự án luật này, nhiều ngày anh cùng các cán bộ Viện khoa học kiểm sát (nay là vụ Pháp chế và quản lý khoa học) ngồi rà soát từng điều, từng ý trong từng dự án luật. Các đạo luật mới về tư pháp mới ban hành trong năm 2014, 2015 như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và nhiều văn bản pháp luật khác đều có sự chỉ đạo và sự tham gia trực tiếp của anh.

5. Với vị trí Tư lệnh của Ngành, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình rất chú trọng đến công tác tổ chức cán bộ và rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống; nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Điều tra viên của ngành Kiểm sát nhân dân. 
- Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân đã được tổ chức theo 4 cấp; Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành sửa đổi, ban hành đồng bộ các Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, các văn bản quy định, hướng dẫn, Quy chế công tác tổ chức cán bộ, Quy chế nghiệp vụ, Quy định về chế độ hồ sơ nghiệp vụ của Ngành... Sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng chuyên sâu nhằm đào tạo các chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực. Hình thành hệ thống Thanh tra Ngành, ban hành Quy định về xử lý kỷ luật trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, đưa công tác thanh tra đi vào hoạt động có nề nếp, hiệu quả nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đề cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.

- Những người có đức, có tài, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp ở cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao và ở Viện kiểm sát các địa phương, về cơ bản đã được đánh giá đúng mức, trọng dụng, sắp xếp bố trí công việc đúng chỗ, đúng lúc vào các vị trí cán bộ chủ chốt của Ngành, đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị nghiệp vụ.

- Thực hiện tốt định hướng hoạt động của Ngành: “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”; triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với việc rèn luyện 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Bác Hồ: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

6. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quy tụ sức mạnh của toàn ngành Kiểm sát nhân dân trong một khối thống nhất. Bản thân anh và tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực sự là một khối đoàn kết, gắn bó với nhau dưới sự điều hành đúng mực, nghiêm túc của đồng chí Viện trưởng. Sự đoàn kết, nhất trí đó xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ; song cũng có nguyên nhân từ sự công khai, minh bạch trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của đồng chí Viện trưởng. Nhiều việc các anh, chị đã làm được toàn Ngành ủng hộ như: Tổ chức thi tuyển tạo nguồn bổ nhiệm chức vụ quản lý, chức danh tư pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ được bổ nhiệm. Thực hiện bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp đối với các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp đối với các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Đổi mới trang phục, cấp hàm, cấp hiệu tạo sự tôn nghiêm trong quá trình thực thi công vụ, đề cao kỷ cương, kỷ luật công tác.

7. Dưới sự chỉ đạo đúng đắn của đồng chí Viện trưởng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đơn vị trong Ngành đã duy trì và phát triển tốt mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, với các ngành, các cấp. Đó chính là do có thái độ cầu thị, chủ động đặt vấn đề và phương pháp công tác đúng mực; đã đem lại sự hiểu biết của các ngành, các cấp về Viện kiểm sát nhân dân nhiều hơn, từ đó có sự sẻ chia và ủng hộ những vấn đề của Ngành cần được quan tâm, giải quyết. Các Quy chế phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Chính phủ, với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với các cơ quan tư pháp ở Trung ương đã được ký kết và triển khai trong nhiệm kỳ của Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình.
8. Trong nhiệm kỳ anh Nguyễn Hòa Bình làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam với Viện kiểm sát, Cơ quan Tổng Chưởng lý, Viện Công tố và các cơ quan tư pháp khác của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tiếp tục được duy trì, tăng cường và có một số hoạt động tích cực, có hiệu quả. Đó là việc mở rộng hợp tác quốc tế cả bề rộng và chiều sâu; thực hiện tốt trách nhiệm của cơ quan đầu mối Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự; gia nhập Hiệp hội Công tố viên quốc tế (IAP); đàm phán và ký kết thành công nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, các thỏa thuận hợp tác quốc tế; triển khai thực hiện hiệu quả các dự án quốc tế.

9. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình là người rất chú trọng đến công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân. Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong ngành Kiểm sát nhân dân, việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền; việc xây dựng và phát sóng Chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân và việc lần đầu tiên tổ chức cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam đã chứng minh điều đó. Năm 2015, anh đã chỉ đạo tổ chức thành công nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân như mít tinh kỷ niệm, tổ chức tọa đàm về truyền thống 55 xây dựng và phát triển; các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt, người Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên; tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành Kiểm sát nhân dân và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng các sự kiện lớn của đất nước và của ngành cũng như tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển đảo của Tổ quốc, các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ trong Ngành.

10. Trong 5 năm làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình đã cùng tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, chú trọng đến công tác đảm bảo các điều kiện vật chất cho hoạt động của toàn Ngành. Một loạt việc được giải quyết như: Triển khai hiệu quả đề án “Đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho ngành Kiểm sát giai đoạn 2011 - 2015”; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp và các cơ sở đào tạo của Ngành; trang bị xe ô tô chuyên dụng cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; triển khai dự án xây dựng trụ sở cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao.v.v. Anh cùng cùng tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân như: Hoàn thành Hệ thống truyền hình trực tuyến đến Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm kinh phí, mở rộng diện cán bộ tham dự các hội nghị, nhất là cán bộ cấp huyện; thực hiện việc nối mạng trực tuyến từ phòng xử án đến phòng làm việc của Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát và giảng đường đại học.

Trong những năm gần đây, nhiều mặt hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân đã từng bước phát triển và đạt kết quả cao hơn, những điều không vui về ngành Kiểm sát đã dần được thay thế bằng niềm vui, ánh mắt, nụ cười và sự tin tưởng. Để có được điều đó, tôi hiểu rằng có sự đóng góp không nhỏ của tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao; của Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên và cán bộ Kiểm sát trong toàn Ngành, trong đó có vai trò rất quan trọng của anh Trần Quốc vượng và đặc biệt là anh Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (từ tháng 7/2011 đến tháng 4/2016). Kính chúc anh Nguyễn Hòa Bình luôn mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới mà Đảng, Nhà nước đã giao cho. Tôi cũng mong rằng, toàn ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân” như lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015 của ngành Kiểm sát nhân dân./.

Nguồn: Truyền hình Kiểm sát (Tác giả: Lại Hợp Việt -Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế)

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,824,542
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.191.88.249

    Thư viện ảnh