Chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 107 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Điều 2, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014:
“1- Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2- Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.
Những năm trước đây, khi nói đến chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân vẫn còn nhiều người chưa biết đến. Nhưng từ khi Đảng và Nhà nước ta có chính sách mở cửa, nền kinh tế hội nhập với các nước trên toàn thế giới, đời sống nhân dân được cải thiện, các nguồn thông tin đại chúng như đài, vô tuyến truyền hình, báo chí ngày càng nhiều… đã giúp cho nhân dân hiểu hơn về chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, thấy được hình ảnh của cán bộ Kiểm sát viên khi thực thi nhiệm vụ. Họ hiểu, thông cảm và chia sẻ những khó khăn vất vả của cán bộ Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự.
Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.
Người Kiểm sát viên thực sự là người chiến sĩ trên trận tuyến thầm lặng, nơi nào có vụ án xẩy ra là nơi đó cũng có bàn chân của Kiểm sát viên đi đến. Bất kể ngày hay đêm, nắng hay gió đều phải vượt đèo, lội suối, xuyên rừng để đi cùng các chiến sĩ Công an tới hiện trường thực hiện chức năng của mình.
Người Kiểm sát viên có những lúc ăn không cảm thấy ngon, ngủ không yên khi có những vụ án giết người mà hiện trường không để lại dấu vết của hung thủ hay những vụ án đánh nhau đông người dẫn đến trọng thương hay chết người xẩy ra vào ban đêm. Trong khi đó Người Kiểm sát viên phải giữ nguyên tắc: “Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải luôn được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời; nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không đề lọt tội phạm và người phạm tội”.
Kiểm sát viên hàng ngày phải nắm được tiến độ, kết quả điều tra, kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai nhân chứng. Nghiên cứu, tổng hợp phát hiện những mâu thuẫn của các lời khai một người hoặc lời khai của nhiều người.
Phải đặt các giả thiết trái chiều, các giả thiết xuôi chiều từ tư duy trừu tượng đến khách quan sinh động để có định hướng giúp cho cơ quan điều tra nhanh chóng điều tra phá án.
Khi kết thúc điều tra vụ án Kiểm sát viên phải nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ sau đó tổng hợp rồi viết bản cáo trạng. Bản cáo trạng yêu cầu phải viết ngắn gọn nhưng đầy đủ để người được đọc dễ đọc, dễ hiểu, người được nghê cũng dễ hiểu.
Khi tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, người kiểm sát viên đọc cáo trạng phải dõng dạc, to để cho mọi người trong hội trường xét xử nghe rõ, phải ghi chép đầy đủ diễn biến tại phiên tòa để chủ động tranh luận với luật sư, bị cáo, bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Khi tranh luận Kiểm sát viên hết sức bình tĩnh, điềm đạm không dùng từ miệt thị bị cáo. Phải kiên quyết và khôn khéo xử lý những diễn biến phức tạp xẩy ra tại phiên tòa.
Trong công cuộc đổi mới xã hội hiện nay đòi hỏi người Kiểm sát viên đề cao đạo đức công chức và kỷ luật công vụ. Mặc dù còn thiếu thốn về mặt vật chất nhưng các anh lại rất giầu tình cảm đó là tình yêu đối với Đảng, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, yêu quê hương đất nước, yêu nhân dân lao động. Các anh có đầy chiến công thầm lặng, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Hình ảnh người Kiểm sát viên ngày càng được nhân dân tin yêu./.
Nguyễn Đình Điển- Phòng 10 Viện kiểm sát tỉnh