ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -13:44 PM

Phụ nữ phạm tội, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

 | 

Nói đến người phụ nữ Việt Nam, ta luôn nhắc đến bốn chữ “công, dung, ngôn, hạnh”, những người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ấy đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, xây dựng quê hương. Cũng chính vì thế mà người phụ nữ luôn được tôn vinh trong xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi đất nước đang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước diễn ra một cách mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì không ít phụ nữ lại đang bị xói mòn về phẩm chất, đạo đức, lối sống dẫn đến vi phạm pháp luật và tội phạm. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã phần nào bị ảnh hưởng bởi không ít người phụ nữ (có người còn rất trẻ) đã phải đứng trước vành móng ngựa, rồi sau đó chịu sự sự trừng phạt của pháp luật bởi hành vi phạm tội của mình.    

Hình minh họa

Thực trạng trong ba năm trở lại đây cho thấy, trên địa bàn huyện Lạng Giang, số người bị khởi tố, truy tố, xét xử là phụ nữ ngày càng tăng về số lượng và đa dạng về tội danh. Theo thống kê, năm 2012, trên địa bàn huyện có 12 bị can là nữ chiếm 05% trong tổng số bị can mới khởi tố; năm 2013 là 20 bị can chiếm 06% trong tổng số bị can mới khởi tố; năm 2014 lên tới 24 bị can chiếm 08%; 6 tháng đầu năm 2015, con số này là 07/92, chiếm tỷ lệ 7,6%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu tính chung trong toàn tỉnh, năm 2014, tỷ lệ bị can nữ là 8,5%; 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 95/1.118 bị can khởi tố mới là nữ, chiếm tỷ lệ 8,4% số bị can mới khởi tố. Về tội danh, qua các năm, loại tội danh mà phụ nữ phạm phải cũng đa dạng hơn. Năm 2012, 2013, phụ nữ chủ yếu phạm các tội như Đánh bạc, Chứa mại dâm, Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, thì đến năm 2014, xuất hiện thêm các tội như: Cố ý gây thương tích; Buôn bán hàng cấm, Trộm cắp tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản... . Về thủ đoạn, tính chất của tội phạm do nữ giới thực hiện cũng ngày một tinh vi hơn, ở một số tội phạm nhất định, phụ nữ biết lợi dụng hoàn cảnh, thế mạnh giới tính để đạt được mục đích phạm tội, lôi kéo đồng phạm…, do vậy, hậu quả của hành vi phạm tội do phụ nữ gây ra không những ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nói chung mà nó đã và đang làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, hình ảnh tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên thì có nhiều, nhưng qua các vụ án có bị can, bị cáo nữ thì thấy có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Một là, điều kiện về kinh tế- xã hội: Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, không phù hợp dẫn đến cuộc sống không được đảm bảo. Bên cạnh đó, đất nước ta đang trong quá trình mở cửa, hội nhập, tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường dẫn tới những suy nghĩ, hành động lệch lạc của không ít phụ nữ, đặc biệt là giới trẻ, từ đó dẫn đến hành vi phạm tội.

Hai là, điều kiện về văn hóa - giáo dục: Mặc dù xã hội đã tiến bộ, nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn hiện hữu trong không ít gia đình, nhất là ở vùng nông thôn, cha mẹ thường chú ý đầu tư cho con trai đi học mà không chú ý đến việc định hướng, đầu tư cho con gái, dẫn đến việc học hành không đến nơi, đến chốn; một số trường hợp, do cha mẹ ly hôn, dẫn đến thiếu trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái làm cho con hư hỏng, hình thành lối sống lười biếng, ăn bám, bỏ nhà đi lang thang, tham gia vào tệ nạn xã hội - con đường rất ngắn dẫn đến tội phạm. Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, mạng Iternet cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lối sống buông thả, thiếu định hướng của một bộ phận giới trẻ, từ đó dẫn đến vi phạm pháp luật, tội phạm.

Ba là, do công tác phổ biến và giáo dục pháp luật cho phụ nữ còn nhiều hạn chế: Công tác giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên thực tế còn có những hạn chế nhất định, trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật vẫn còn chậm đổi mới, dàn trải, thiếu cụ thể, thiếu tính thuyết phục. Các hình thức tuyên truyền pháp luật phổ thông trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa thật phù hợp với hoàn cảnh nghề nghiệp, việc làm và điều kiện sống thực tế của phụ nữ, nhất là ở những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, những khu công nghiệp lớn.

Bốn là, về tâm lý giới tính: Thông qua việc giải quyết các vụ án có bị can, bị cáo là nữ giới phạm nhóm tội xâm phạm sở hữu cho thấy, so với nam giới, phụ nữ dễ bị kích động, cám dỗ bởi lợi ích vật chất hơn; nhiều trường hợp chỉ vì hoàn cảnh, sự sở hơ của người khác đã làm nảy sinh ý nghĩ phạm tội, và trong một phút bồng bột đã dẫn đến tội phạm.

Để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng phụ nữ phạm tội trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung vào các giải pháp sau đây:

 Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần quán triệt sâu sắc Kết luận số 55-KL/TW ngày 18/01/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công ngiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; coi công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trực tiếp là Hội liên hiệp phụ nữ các cấp.

Thứ hai, gia đình, xã hội cần quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện lao động, sinh hoạt và học tập của phụ nữ nói chung và phụ nữ trẻ nói riêng. Cần có nhiều giải pháp, việc làm cụ thể để giải quyết các vấn đề như thất nghiệp, thiếu việc làm, giải quyết các ảnh hưởng đối với lao động không có tay nghề mà số đông là nữ; tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động dịch vụ xã hội, không để các loại hình văn hóa độc hại du nhập vào nước ta ảnh hưởng đến mỗi người và mỗi gia đình, nhất là phụ nữ nông thôn - đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho phụ nữnhằmhạn chế phụ nữ mắc các tệ nạn xã hội. Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có bị can, bị cáo là phụ nữ, cần thiết phải có người tiến hành tố tụng là nữ giới để có cái nhìn khách quan, từ đó có thể chia sẻ, đánh giá đúng bản chất vụ việc để rồi có biện pháp xử lý phù hợp, thể hiện được tính giáo dục, phòng ngừa là chính, nhất là đối với các trường hợp vì hoàn cảnh mà dẫn đến phạm tội. 

Qua bài viết này, mong rằng mỗi người chúng ta cần có cái nhìn chuẩn mực, phù hợp, cùng đóng góp sức mình để xây dựng và giữ gìn hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” ở quá khứ, hiện tại và cả tương lai./.

Hà Thị Hiên - Viện KSND Huyện Lạng Giang.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,135,545
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.110.145

    Thư viện ảnh