Tháng 8/2007 ông N có chuyển nhượng quyền sử dụng 557,4 m2 đất cùng công trình trên đất cho ông T. Giá chuyển nhượng là 100.000.000đ; hai bên có lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giấy nhận tiền do ông N viết. Ngay sau khi ký hợp đồng hai bên đã có việc giao nhận tiền, nhà đất cho nhau; ông T đã tháo rỡ một số tài sản trị giá 10.000.000đ của ông N; sửa chữa xây dựng một số công trình trên đất và ở tại nhà đất này từ đó đến nay.
Ông N cho rằng đã nhận của ông T 70.000.000đ tiền chuyển nhượng nhà đất; nhưng 3 ngày sau ông không đồng ý chuyển nhượng đất nữa nên đã trả lại cho ông T 70.000.000 đồng; lấy lại hợp đồng đã viết; hai bên thống nhất hủy hợp đồng đã viết và chuyển sang hợp đồng thuê nhà, thời hạn thuê là 3 năm từ tháng 8/2007 đến tháng 10/2010, giá thuê là 3 triệu đồng/năm, hai bên giao kết hợp đồng bằng miệng; ông đã nhận của ông T 9.000.000đ tiền thuê nhà. Hết hạn hợp đồng thuê nhà ông T không trả nhà và đất cho ông. Ông N đề nghị ông T phải trả lại toàn bộ nhà đất đã thuê và 10.000.000đ giá trị tài sản mà ông T đã tự ý phá rỡ; đối với các công trình trên đất ông T đã xây dựng, ông đồng ý thanh toán cho ông N bằng tiền.
Ông T cho rằng ông đã giao cho ông N tổng cộng 90.000.000đ. Còn 10.000.000 đồng hai bên thỏa thuận khi nào ông N làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì giao nốt. Giấy tờ mua bán nhà và đất, giấy nhận tiền đều bị ông N lấy mất. Không có việc ông thuê nhà của ông N nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông N. Ông đề nghị, công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên có hiệu lực pháp luật. Nếu yêu cầu này không được chấp nhận, đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên là vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu; ông đồng ý trả lại nhà đất cho ông N; ông N phải trả lại 90 triệu đồng đã nhận và 90 triệu đồng tiền ông xây dựng các công trình trên đất.
Với nội dung vụ án trên, tại bản án dân sự sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố B đã xác định giữa ông N (bên chuyển nhượng) và ông T (bên nhận chuyển nhượng) đã giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hai bên chưa thống nhất tuyên bố hủy hợp đồng chuyển nhượng và không thỏa thuận giao kết hợp đồng thuê nhà; đồng thời Tòa án đã nhận định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên không tuân thủ quy định của Bộ luật dân sự, Luật đất đai năm 2003; và quyết định xử: Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên là vô hiệu; buộc ông N trả cho ông T số tiền đã nhận 70.000.000đ; giao cho ông N được sở hữu các tài sản ông T đã tạo dựng trên đất và thanh toán trả cho ông T 40.973.050đ; buộc ông T trả lại nhà đất và 10.000.000đ giá trị tài sản ông T đã tháo rỡ.
Qua xem xét việc Tòa án giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thấy rằng, khi xác lập hợp đồng chuyển nhượng hai bên đương sự thỏa thuận giá trị nhà đất là 100.000.000đ; ông T yêu cầu ông N phải trả 90.000.000đ tiền đã nhận và 90.000.000đ tiền xây dựng công trình trên đất; Tòa án định giá xác định giá trị nhà đất hai bên đã chuyển nhượng nay có giá trị 172.176.530đ; giá trị tài sản ông T xây dựng tôn tạo thêm là 40.973.050đ. Như vậy giữa giá tài sản ban đầu hai bên thỏa thuận chuyển nhượng, số tiền đã thanh toán trả cho nhau và giá hiện tại có sự chênh lệch. Nhưng khi giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu, Tòa án chỉ xem xét, giải quyết buộc hai bên trả cho nhau tài sản đã nhận, tài sản xây dựng thêm mà không xem xét, xác định rõ mức độ lỗi của mỗi bên dẫn đến hợp đồng vô hiệu; xác định hợp đồng vô hiệu có gây thiệt hại cho các bên đương sự hay không? giá trị thiệt hại để buộc bên có lỗi phải bồi thường cho bên bị thiệt hại là giải quyết không đúng quy định tại Điều 137, 410 Bộ luật dân sự.
Để việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự , Viện KSND thành phố B đã ban hành quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố B đã giải quyết vụ án nêu trên./.
Vũ Thanh Tùng
VKSND thành phố Bắc Giang