Ngày 28/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 164/2024/QH15 quy định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
1. Quy định linh hoạt các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản theo hướng bảo đảm quyền lợi của bị hại, người bị buộc tội về quyền tài sản
Theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Do đó, nhiều trường hợp quá trình giải quyết vụ án kéo dài, vật chứng, tài sản bị hao hụt, mất hoặc giảm giá trị so với thời điểm thu giữ, niêm phong, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị hại, người bị buộc tội về quyền tài sản. Đơn cử khi giải quyết một số vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” thu giữ các phương tiện khai thác (máy móc, xe vận chuyển, nguyên nhiên liệu, chất đốt,…) thời điểm giải quyết xong vụ án so với thời điểm thu giữ có sự chênh lệnh do hao hụt, giảm hoặc mất giá trị của các tài sản. Giải quyết vấn đề đó, Nghị quyết số 164/2024/QH15 quy định nhiều biện pháp xử lý vật chứng, tài sản ngay trong quá trình giải quyết vụ án như biện pháp mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng;…
Bên cạnh đó, trường hợp vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa mà cơ quan tiến hành tố tụng xác định rõ chủ sở hữu, bị hại, số tiền bị thiệt hại, đồng thời có văn bản đề nghị của bị hại hoặc người đại diện của họ và văn bản đề nghị của bị can, bị cáo hoặc người khác là chủ sở hữu của vật chứng, tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định trả lại tiền cho bị hại.
2. Tối ưu hóa việc khai thác tài sản, lưu thông tiền tệ
Một trong những nguyên tắc, đồng thời là mục tiêu hướng đến của Nghị quyết số 164/2024/QH15 là đưa tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Do đó, trong trường hợp số tiền đã thu giữ, tạm giữ không thuộc trường hợp trả lại tiền thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định gửi tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để chờ xử lý hoặccho phép chủ sở hữu tài khoản được chuyển đổi thành tài khoản tiền gửi có kỳ hạn và quyết định phong tỏa tài khoản tiền gửi để chờ xử lý. Như vậy, số tiền đã thu giữ, tạm giữ vẫn có thể được lưu thông, sinh lợi tức trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án, vụ việc.
Đối với trường hợp vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên có thể được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định giao vật chứng, tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc người khác quản lý, khai thác, sử dụng theo đề nghị của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng khi có sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Tăng cường các biện pháp để bảo đảm việc thu hồi tài sản từ giai đoạn tiền khởi tố
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các biện pháp trực tiếp tác động vào tài sản nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản bao gồm kê biên tài sản (Điều 128) và phong toả tài khoản (Điều 129). Tuy nhiên, biện pháp kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo, tức là chỉ áp dụng sau khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can còn biện pháp phong toả tài khoản mặc dù được áp dụng với người bị buộc tội trước khi khởi tố vụ án nhưng phạm vi áp dụng chỉ đối với người có tài khoản (có số dư) tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Theo quy định trên, chưa có biện pháp tác động trực tiếp vào tài sản (không phải tiền trong tài khoản) của người bị buộc tội từ giai đoạn tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.
Trước thực trạng quy định của pháp luật hiện hành thiếu các biện pháp để bảo đảm việc thu hồi tài sản từ giai đoạn tiền khởi tố, Nghị quyết số 164/2024/QH15 quy định biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Theo đó, khi có căn cứ cho rằng cần phải ngăn chặn việc người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có hành vi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, tẩu tán, hủy hoại tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đó. Đây được coi là biện pháp tác động trực tiếp vào tài sản của người bị buộc tội trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, là công cụ nâng cao hiệu quả việc thu hồi tài sản từ giai đoạn tiền khởi tố.
Hiện nay, Nghị quyết số 164/2024/QH15 được áp dụng thí điểm xử lý vật chứng, tài sản đối với vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Do vậy, cần nghiên cứu, theo dõi thực hiện để từng bước hoàn thiện các quy định về xử lý vật chứng, hướng đến hoàn thiện quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự trong thời gian tới./.
Vũ Thị Hoa, Phòng 3 Viện KSND tỉnh Bắc Giang