ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 14/09/2024 -18:01 PM

Cảnh giác cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

 | 

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sựvề tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài" theo Điều 349 Bộ luật Hình sự, Phòng 1 Viện KSND tỉnh Bắc Giang nhận thấy cần thiết phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để người dân tránh được những “cạm bẫy” lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”.

Trong thời gian qua, nắm bắt được nhu cầu tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động, các đối tượng phạm tội đã có nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi; đặc biệt là sử dụng mạng xã hội truyền thông, quảng cáo không đúng sự thật để dụ dỗ, lôi kéo và tổ chức cho người lao động trốn đi nước ngoài lao động trái phép. Đáng chú ý, có nhiều đối tượng ban đầu là nạn nhân nhưng vì mục đích vụ lợi đã giúp sức cho các đối tượng phạm tội rủ rê, lôi kéo và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài lao động bất hợp pháp.

1. Nhận diện các chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội

Qua nghiên cứu giải quyết các vụ án trong thực tiễn, nhận thấy, các đối tượng phạm tội thường có những chiêu trò, thủ đoạn để dụ dỗ, lôi kéo người lao động tin tưởng như sau:

- Thứ nhất, đất nước sang lao động thường là Thái Lan, được giới thiệu là có tình hình kinh tế phát triển và thị trường lao động rộng mở. Người lao động chỉ cần làm hộ chiếu, các thủ tục và chi phí xuất cảnh đều do công ty lo hoặc người lao động chỉ phải đóng tiền cọc một phần.

Tuy nhiên, thực chất điểm đến của các lao động Việt Nam lại là các nước khácnhưCamphuchia, Myanmar. Khi có người lao động liên hệ xin việc làm, các đối tượng hướng dẫn họ làm hộ chiếu để bay sang Thái Lan bằng Visa du lịch, sau khi nhập cảnh vào Thái Lan sẽ được đưa vượt biên sang Myanmar, Campuchiabằng đường bộ và gửi đếnlao động trái phép tại các công ty, xưởng dongười nước ngoàiquản lý.

- Thứ hai, hình thức quảng cáo chủ yếu là thông qua đăng tin trên mạng xã hội (như Zalo, Facebook,…) hoặc thông qua các mối quan hệ quen biết, giới thiệu công việc nhẹ nhàng, nhàn hạ như: làm văn phòng, gọi điện, tư vấn cho khách hàng là người Việt Nam tham gia mua hàng tại các trang mua bán Shopee, Lazada, đánh giá chất lượng món ăn… Đồng thời, hứa hẹn mức lương giao động từ 20 đến 30 triệu đồng/ tháng, làm tốt sẽ được thưởng cao.

Thực tế, không được như những lời hứa hẹn hoa mỹ khi tuyển dụng, khi đến lao động tại các công ty ở Myanmar, Campuchia, người lao động bị tịch thu hộ chiếu, ép ký hợp đồng lao động và đưa đến khu ăn ở tập trung để làm việc.  Người lao động đều bị giao chỉ tiêu và ép buộc phải hoàn thành; nếu không hoàn thành công việc thì thường xuyên bị đe doạ, đánh đập. Khi không chịu được công việc và muốn về nước thì Công ty sẽ yêu cầu người lao động liên hệ với gia đình nộp tiền chuộc với số tiền cả trăm triệu đồng do vi phạm hợp đồng. Mọi chi phí về nước do người lao động tự chịu, có khi lên đến hàng chục triệu đồng.

- Thứ ba, lôi kéo, dụ dỗ để thực hiện các hoạt động phi pháp. Thực tế cho thấy, vì mục đích vụ lợi, rất nhiều lao động, ban đầu là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo, sau lại trở thành người giúp sức tích cực cho các đối tượng phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo tại Việt Nam.

Một trong số những công việc thường gặp khi các lao động Việt Nam sang Campuchia và Myanmar là sử dụng các mạng xã hội Zalo, Facebook, tiktok ... để làm quen với những người Việt Nam, tạo niềm tin và mời chào họ đầu tư vào các trang thương mại điện tử, sàn tiền ảo (thực chất là các ứng dụng lừa đảo do người Nước ngoài tạo lập, quản lý) hoặc tư vấn mua hàng rồi chiếm đoạt số tiền nói trên.

Bên cạnh đó, một số lao động còn được các quản lý người Nước ngoài và các đối tượng giúp sức người Việt Nam dụ dỗ, hướng dẫn tiếp tay cho hành vi môi giới, tổ chức đưa người lao động Việt Nam sang các nước nói trên lao động trái phép nhằm hưởng lợi bất chính (với số tiền giao động khoảng từ 8 đến 10 triệu đồng/ lao động được đưa sang).

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang và Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã thụ lý, giải quyết 04 vụ án/06 bị can về tội “Môi giới và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Trong đó, đấu tranh làm rõ các bị can nói trên đã đưa chót lọt 22 người lao động Việt Nam sang nước ngoài lao động trái phép. Các lao động này sau đó không chịu được môi trường làm việc khắc nghiệt mà phải bỏ trốn, cầu cứu gia đình nộp tiền chuộc hoặc được Đại sứ quán và các cơ quan chức năng giải cứu về nước. Sau khi về nước, đều làm đơn tố cáo các đối tượng lừa đảo họ sang nước ngoài lao động với chiêu trò, thủ đoạn nêu trên.

Ảnh minh họa

2. Những biện pháp phòng ngừa:

Hành vi phạm tội của các đối tượng nêu trên đã, đang và sẽ được Cơ quan tố tụng tiếp tục làm rõ và có hình phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để bảo đảm phòng ngừa loại tội phạm trên, đề nghị chính quyền địa phương các cấp quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 18/7/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.

Hai là, chỉ đạo các cơ quan chức năng  phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và hạn chế tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép xảy ra tại địa phương.

Ba là, tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn, kịp thời phát hiện ngay từ cơ sở những trường hợp vắng mặt tại địa phương không rõ lý do, có biểu hiện xuất cảnh trái phép lập danh sách theo dõi để có biện pháp xử lý, giải quyết.

Bốn là, thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là các địa bàn có diễn biến phức tạp về xuất cảnh trái phép. Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể và vận động, tranh thủ người có uy tín tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu thủ đoạn của các đối tượng môi giới cũng như những rủi ro mà họ có thể gặp phải khi xuất cảnh trái phép làm thuê ở nước ngoài; đồng thời tăng cường tuyên truyền phổ biến thông tin về việc làm và chính sách của nhà nước về việc đi lao động ở nước ngoài để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành cho người dân

Bên cạnh đó, để bảo vệ sự an toàn của bản thân và gia đình, cũng như tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, đề nghị người dân tích cực nâng cao cảnh giác trước những quảng cáo “việc nhẹ, lương cao”. Trong trường có nhu cầu tìm kiếm việc làm, cần chủ động liên hệ, nhờ hỗ trợ tư vấn của các cơ quan chức năng hoặc các công ty xuất khẩu lao động uy tín (đã được nhà nước cấp phép hoạt động lĩnh vực xuất khẩu lao động). Đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh và xuất khẩu lao động và tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm, phạm tội liên quan đến lĩnh vực nói trên. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm tại địa phương./.

Trần Thị Thu Hương- Phòng 1, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,314,727
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:34.231.180.210

    Thư viện ảnh