Ngày 23/6/2021 Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Động đã ban hành kiến nghị đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Động về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm ma túy xảy ra tại địa phương.
Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Động thấy tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về ma tuý liên tục xảy ra, diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Đối tượng sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy chủ yếu là thanh niên, không có nghề nghiệp ổn định. Có nhiều trường hợp là những người đã đi cai nghiện bắt buộc xong, bị Tòa án xét xử về tội liên quan đến ma túy, có trường hợp đang trong quá trình điều trị cai nghiện nhưng sau khi về địa phương vẫn tiếp tục sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.
Từ ngày 01/12/2018 đến ngày 31/05/2021, trên địa bàn huyện đã xảy ra 21 vụ việc vi phạm pháp luật về ma túy, đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử 19 vụ/20 bị can về các tội mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy. Các địa bàn trọng điểm xảy ra tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy tập trung ở thị trấn An Châu, xã Vĩnh An, xã An Bá, Yên Định.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do các đối tượng người nghiện ma túy phần lớn có trình độ văn hóa thấp, không có nghề nghiệp, không chịu khó lao động. Sau khi chấp hành án, cai nghiện ma túy trở về địa phương còn có tâm lý mặc cảm. Chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ, động viên kịp thời của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội và gia đình trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, chưa được khuyến khích, hỗ trợ công ăn việc làm dẫn đến bị rủ rê, lôi kéo, tiếp tục phạm tội. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ sở cai nghiện ma túy và chính quyền nơi có người cai nghiện ma túy cư trú còn chưa thường xuyên. Công tác tuyên truyền phòng chống ma túy của một số địa phương còn chưa tích cực.
Mặt khác, do một số đối tượng đa phần ở nông thôn, trình độ văn hóa còn thấp nên sự am hiểu về pháp luật phòng, chống ma túy chưa nhiều. Nếu trước đây Bộ luật hình sự quy định hành vi tàng trữ từ 01 gam ma túy đá trở lên mới bị xử lý tội tàng trữ trái phép chất ma túy thì nay Bộ luật hình sự quy định chỉ tàng trữ 0,1 gam ma túy đá là đã bị xử lý hình sự. Điều này phần lớn người sử dụng trái phép ma túy đá không biết được.
Bên cạnh đó, do đặc điểm của tội phạm này là khi mua bán ma túy chỉ có người bán và người mua, nên khi phát hiện tội phạm tàng trữ hoặc mua bán trái phép chất ma túy không thể phát hiện, điều tra người cung cấp ma túy, do đó chưa xử lý triệt để.
Nhận thấy tội phạm về ma túy là một trong những loại tội phạm nguy hiểm, là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác như trộm cắp tài sản, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích.. gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng ma túy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Để góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện, đặc biệt là loại tội phạm về ma túy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Động kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện Sơn Động một số giải pháp nhằm phòng ngừa như sau:
- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các phòng, ban chuyên môn phối hợp, tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Chị thị số 21-CT/TW ngày 26/03/2008 của Bộ Chính trị, về “tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Chỉ đạo các ban, ngành UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục Luật phòng, chống ma túy đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tránh xa tệ nạn và vi phạm liên quan đến ma túy đặc biệt là các loại ma túy mới phát sinh hiện nay.
- Chỉ đạo Công an huyện Sơn Động tập trung lực lượng, phương tiện mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn. Và tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đối với các đối tượng tạm trú, các nhà nghỉ, nhà trọ… Thường xuyên kiểm tra, tuần tra, theo dõi, giáo dục các đối tượng có nhân thân xấu, có biểu hiện nghi vấn mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trên từng địa bàn cụ thể, nhằm ngăn chặn ngay từ đầu những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm này.
- Chỉ đạo Phòng giáo dục và các Trường học kết hợp giữa công tác giảng dạy và triển khai các biện pháp tuyên truyền giáo dục cho học sinh về tác hại của ma túy, các quy định của pháp luật về xử lý hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.
- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích tạo công ăn việc làm cho đối tượng sau khi đã được cai nghiện ma túy, xóa bỏ tâm lý mặc cảm của người nghiện ma túy sau khi trở về xã hội, giúp họ có điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng.
Ngày 25/6/2021 Chủ tịch UBND huyện Sơn Động có văn bản tiếp thu, chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền cơ sở áp dụng các biện pháp phòng chống tội phạm ma túyở địa phương./.
Hoàng Trung Kiên- Viện KSND huyện Sơn Động