Từ ngày 10/02/2019 đến ngày 30/5/2019 giữa ông Bẩy (bên cho vay) và ông Sáu (bên vay) đã xác lập các hợp đồng vay tài sản với tổng số tiền gốc là 320.000.000đ.
Ngày 08/8/2019 ông Sáu chết. Ông Bẩy cho rằng, ông Sáu chết không để lại di chúc, ông Sáu có để lại tài sản và đang do bà Lượng, anh Sỹ (là vợ, con ông Sáu) quản lý, sử dụng. Nên ông Bẩy khởi kiện yêu cầu bà Lượng, anh Sĩ thực hiện nghĩa vụ về tài sản do ông Sáu chết để lại, thanh toán trả cho ông 320.000.000 đồng.
Bà Lượng, anh Sỹ trình bày không biết việc ông Sáu vay tiền của ông Bẩy; không biết ông Sáu sử dụng số tiền vay vào việc gì; không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Bẩy.
Tòa án đã thực hiện thủ tục trưng cầu giám định đối với chữ ký, chữ viết trong các hợp đồng vay tài sản do ông Bẩy giao nộp có phải là chữ ký, chữ viết của ông Sáu hay không. Tại kết luận của cơ quan giám định đã xác định các chữ ký, chữ viết trong hợp đồng vay tài sản với trong các văn bản mẫu chữ ký, chữ viết của ông Sáu là của cùng một người viết, ký ra.
Đồng thời Tòa án đã thực hiện thủ tục định giá tài sản, xác định diện tích đất ông Sáu đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do ông Sáu được hưởng thừa kế của bố mẹ) có giá trị 150.000.000đ; các công trình xây dựng trên đất (là tài sản chung của ông Sáu với bà Lượng) có giá trị 100.000.000đ; chia đôi tài sản trên đất phần của ông Sáu là 50.000.000đ. Tổng cộng giá trị di sản của ông Sáu là 200.000.000đ.
Hàng thừa kế thứ nhất của ông Sáu gồm có bà Lượng và anh Sỹ. Ông Sáu chết không để lại di chúc. Các tài sản là di sản của ông Sáu chưa được phân chia, hiện do bà Lượng và anh Sỹ đang trực tiếp quản lý, sử dụng. Số tiền ông Sáu nợ ông Bẩy bà Tuyên là 320.000.000đ là nhiều hơn giá trị di sản ông Sáu để lại.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 615 Bộ luật dân sự quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lạithì bà Lượng, anh Sỹ là những người được hưởng di sản thừa kế của ông Sáu có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do ông Sáu để lại là 200.000.000đ. Bà Lượng và anh Sỹ phải có nghĩa vụ thanh toán trả cho ông Bẩy 200.000.000đ.
Tại phần nhận định của bản án, Tòa án đã nhận định là bà Lượng, anh Sỹ chỉ phải thanh toán trả tiền nợ của ông Sáu trong phạm di sản do ông Sáu để lại. Nhưng lại xử buộcbà Lượng, anh Sỹ cùng có nghĩa vụ trả nợ cho ông Bẩy với số tiền là 320.000.000 đồng và chỉ phải trả nợ trong phạm vi di sản do ông Sáu để lại là tuyên án mâu thuẫn nhau, không rõ ràng; gây khó khăn cho việc thi hành án sau này.
Không đồng tình với nội dung giải quyết vụ án của Tòa án, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm đã kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm của Tòa án; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, xử buộc bà Lượng, anh Sỹ phải thực hiện nghĩa vụ do ông Sáu để lại, thanh toán trả cho ông Bẩy 200.000.000đ.
Tại phiên tòa phúc thẩm ông Bẩy nhất trí với kháng nghị của Viện kiểm sát. Các đương sự không cung cấp được tài liệu chứng cứ nào khác. Nên Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm buộc bà Lượng, anh Sỹ phải thanh toán trả ông Bẩy 200.000.000đ./.
Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang