Trong hệ thống các chế tài của Nhà nước ta hiện nay thì chế tài hành chính và chế tài hình sự là hai chế tài nghiêm khắc, có tính răn đe, giáo dục cao. Tuy vậy, giữa một số quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện nay còn có một số bất cập trong việc áp dụng hậu quả pháp lý của hai loại chế tài này, cụ thể:
Khoản 1 Điều 137 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:
“1. Người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm”.
Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Người từ đủ 16 tuối đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý”
Việc quy định như vậy sẽ dẫn đến một số trường hợp người chưa thành niên vi phạm bị xử phạt hành chính sẽ để lại hậu quả pháp lý nặng hơn so với người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự. Ví dụ như sau:
Nguyễn Văn A và Trần Văn B đều sinh ngày 01/8/2000.
Trường hợp 1: Ngày 01/8/2017, A có hành vi trộm cắp 01 chiếc xe đạp trị giá 1.000.000 đồng. Ngày 01/9/2017, A bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên. Ngày 05/01/2018, A tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp 01 chiếc xe đạp trị giá 500.000 đồng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì A chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà lại tái phạm nên hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội “ Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 173 BLHS 2015. Do đó, A bị xử lý hình sự.
Trường hợp 2:Ngày 01/8/2017, B có hành vi trộm cắp 01 chiếc xe mô tô trị giá 40.000.000 đồng. Ngày 01/10/2017, B bị xử phạt 03 tháng tù theo khoản 1 Điều 138 BLHS 1999. Ngày 01/01/2018, B chấp hành xong hình phạt tù và chấp hành xong bản án. Ngày 05/01/2018, B tiếp tục trộm cắp 01 chiếc xe đạp trị giá 1.500.000 đồng. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS thì B được coi là không có án tích nên hành vi của B không đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 173 BLHS 2015. Do đó, B không bị xử lý hình sự.
Rõ ràng, với lần vi phạm thứ 2 thì nhân thân của B xấu hơn A, hành vi của B cũng có mức độ nguy hiểm cao hơn hành vi của A cả với cả hai lần vi phạm, nhưng với lần thứ 2 thì A bị áp dụng chế tài hình sự còn B thì không bị xử lý về hình sự. Hay với riêng trường hợp của A, nếu lần vi phạm thứ 2, A bị xử lý hình sự với mức xử phạt 03 tháng tù theo điểm a khoản 1 Điều 173 BLHS 2015, ngày 05/7/2018 A chấp hành xong bản án thì ngày 10/7/2018, nếu A tiếp tục có hành vi trộm cắp xe mô tô trị giá 1.500.000 đồng thì lần vi phạm thứ 3 này, A lại không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính.
Chính sự bất cập giữa các điều luật trên đã tạo nên sự bất bình đẳng trong quá trình xử lý người chưa thành niên ở những lần vi phạm khác nhau của chính người đó và giữa người chưa thành niên vi phạm pháp luật hành chính với người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi điều 137 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nhằm bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được bình đẳng, thống nhất đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Nguyễn Thị Dương Quỳnh-VKSND huyện Việt Yên