.

Thứ tư, 24/07/2024 -08:21 AM

Một số vấn đề về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

 | 

          Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định rõ nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Theo đó, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị do cơ quan nhà nước chuyển đến; Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố...Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ này của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có lúc, có nơi chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí vẫn còn xảy ra vi phạm, thiếu sót làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

          Thực tiễn cho thấy, quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi lẽ, đây chính là đầu mối, là nguồn căn cứ đầu tiên để Cơ quan điều tra tiến hành thẩm tra, xác minh, từ đó xác định có hay không có sự kiện phạm tội để thực hiện các biện pháp tố tụng tiếp theo. Song, trên thực tế, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chưa thực sự được các cơ quan có trách nhiệm (Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát) quan tâm đúng mức. Vì vậy đã dẫn đến những vi phạm, thiếu sót mà phổ biến là tình trạng tố giác, tin báo về tội phạm chưa được tiếp nhận, xử lý đầy đủ và kịp thời; chưa được cơ quan điều tra thực hiện một cách chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, còn để xảy ra tình trạng quá hạn giải quyết; trình tự, thủ tục giải quyết chưa đảm bảo; việc xác minh điều tra thu thập chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ việc còn sơ sài, thiếu chặt chẽ dẫn đến công dân có khiếu kiện bức xúc, kéo dài; hồ sơ giải quyết tin báo sắp xếp chưa khoa học...Những vi phạm, thiếu sót này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến việc xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

          Thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân, song theo chúng tôi có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

          Về chủ quan:

          Thứ nhất, do nhận thức, trình độ nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm của cán bộ được phân công thực hiện công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (Điều tra viên và Kiểm sát viên) còn có một số mặt hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa quan trọng của việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, dẫn đến chưa tuân thủ một cách chặt chẽ trình tự, thủ tục giải quyết; còn tư tưởng coi nhẹ khâu công tác này, cho rằng trách nhiệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là của Cơ quan điều tra, chỉ khi nào khởi tố vụ án thì mới liên quan đến hoạt động tố tụng và lúc đó mới gắn với trách nhiệm của Viện kiểm sát; vẫn còn tình trạng Kiểm sát viên thụ động, chờ việc, chưa có phương thức hiệu quả để nắm đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm mà Cơ quan điều tra đã tiếp nhận để tiến hành kiểm sát.

          Thứ hai, sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chưa được thực hiện một cách chặt chẽ; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này của lãnh đạo đôi lúc còn chưa sâu sát, có việc chưa kiên quyết.

          Về khách quan: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực từ 01/7/2004 nhưng trong một thời gian dài chưa được liên ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện cụ thể việc thi hành các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố dãn đến quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.      

          Ngày 02/8/2013, liên ngành Trung ương (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Thông tư liên tịch số 06 đã quy định cụ thể và rõ ràng về trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên...đã tạo ra cơ sở pháp lý cần thiết cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

          Sau hơn 01 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 06, mặc dù vẫn còn một số thiếu sót, tồn tại nhưng trên thực tế chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã được nâng lên nhiều.

          Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, chúng tôi xin nêu một số giải pháp sau đây:

          Một là, cần tiếp tục quan tâm quán triệt, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

          Hai là, lãnh đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra nhằm nâng cao trách nhiệm, kỹ năng nghiệp vụ của kiểm sát viên; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong Quy chế công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ban hành kèm theo Quyết định số 422/QĐ-VKSTC ngày 17/10/2014 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; kịp thời phát hiện những thiếu sót, tồn tại, khó khăn, vướng mắc để khắc phục; phát hiện những sáng kiến, cách làm mới có hiệu quả để nhân rộng.

          Ba là, Viện kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra cùng cấp về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp cần họp Liên ngành Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát - Tòa án để thống nhất quan điểm. Trường hợp không thống nhất hoặc còn có vướng mắc thì đề nghị Cơ quan điều tra báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Liên ngành cấp tỉnh.

          Trên đây là một số vấn đề về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tác giả đưa ra với mong muốn nhận được nhiều kinh nghiệm quý, bài học hay về công tác này từ thực tiễn hoạt động của đồng nghiệp./.

 

                                                                         Nguyễn Xuân Hồng

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,537,913
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.222.100.35

    Thư viện ảnh