.

Thứ bảy, 27/04/2024 -11:46 AM

Bài viết trao đổi: Mai Văn T có đương nhiên được xóa án tích hay không?

 | 

Nội dung vụ án: Khoảng 00 giờ ngày 30/11/2022, Mai Văn T và Trịnh Văn Q đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có giá trị tại thời điểm bị chiếm đoạt là 2.565.000 đồng. Tiến hành xác minh về nhân thân, tiền án, tiền sự của T xác định:

Tại Bản án hình sự phúc thẩm ngày 16/11/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xử phạt Mai Văn T 01 (một) năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”, liên đới bồi thường số tiền 13.100.000 đồng (trong đó T bồi thường 3.100.000 đồng) và bồi thường số tiền 19.100.000 đồng, chịu 1.100.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm. Ngày 25/3/2011, T đã chấp hành xong hình phạt tù, ngày 13/4/2011 chấp hành xong tiền án phí, người bị hại không có đơn yêu cầu thi hành án phần bồi thường, tính đến nay T chưa bồi thường cho người bị hại.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm ngày 21/06/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xử phạt Mai Văn T 09 (chín) tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, bồi thường số tiền 240.000 đồng, chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm và 200.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Trong vụ án này, giá trị tài sản mà T trộm cắp chưa đủ định lượng. Ngày 07/10/2012, T đã chấp hành xong hình phạt tù, tháng 8/2016 chấp hành xong tiền án phí, người bị hại không có yêu cầu thi hành án dân sự, tính đến nay T chưa bồi thường cho người bị hại.

Hiện nay có hai quan điểm về việc giải quyết vụ án nêu trên:

Quan điểm thứ nhất: Căn cứ theo quan điểm thể hiện tại mục 7 Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao, thông báo về kết quả giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự và hành chính, thì Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay. Do vậy, trường hợp này T chưa bồi thường cho người bị hại được coi là chưa chấp hành xong các quyết định khác của bản án. Do đó, T không được đương nhiên xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.

Quan điểm thứ hai: Căn cứ theo quan điểm thể hiện tại mục 7 Công văn số 4632/VKSTC-V7 ngày 30/11/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc trả lời thỉnh thị Viện KSND tỉnh Bình Dương thì theo quy định tại khoản 5 Điều 3, điểm c Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, do thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với phần bồi thường trách nhiệm dân sự đã hết nên đương sự mất quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Mặc khác, theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự, đương nhiên được xóa án tích không chỉ áp dụng đối với người bị kết án khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính mà còn áp dụng trong trường hợp hết thời hiệu thi hành bản án. Do đó trường hợp này đã hết thời hiệu để thi hành phần bồi thường trách nhiệm dân sự, cần xử lý theo hướng có lợi cho T, T đương nhiên được xóa án tích.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Khắc Tú- VKSND huyện Lục Ngạn

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,773,770
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.118.12.222

    Thư viện ảnh