Nội dung vụ việc:A và B là bạn bè và là người cùng thôn. A chưa có tiền án, tiền sự còn B có 01 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”. A biết B mới chấp hành xong hình phạt tù được khoảng hơn 01 tháng.
Khoảng 09 giờ ngày 09/01/2022, B nhờ A lấy xe mô tô của mẹ B chở B đi sang thôn X có việc thì A đồng ý. Sau khi chở B đến nơi, A điều khiển xe mô tô mang về nhà trả cho mẹ B. Còn B vào một khu nhà trọ trộm cắp được 01 chiếc xe mô tô trị giá 30.000.000 đồng. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, B điều khiển chiếc xe mô tô vừa trộm cắp được (xe không có giấy tờ, không có biển số) đến bảo A cầm cố chiếc xe để vay số tiền 4.000.000 đồng, hẹn 2-3 ngày sẽ đến chuộc lại (A không có giấy phép kinh doanh cầm đồ). A hỏi B về nguồn gốc xe thì B bảo xe mượn của bạn để đi lại. A biết rõ việc B mượn xe của bạn để đi lại thì không được mang đi cầm cố nhưng vẫn đồng ý nhận cầm cố cho B vì là chỗ bạn bè. Khi cầm cố hai bên không viết giấy tờ gì. Hiện nay có 03 quan điểm xử lý đối với hành vi của A như sau:
Quan điểm thứ nhất: Hành vi của A đã cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Bởi lẽ: Mặc dù khi B mang chiếc xe mô tô trộm cắp được đến cầm cố cho A thì B chỉ nói với A là xe mượn của bạn để đi lại, không nói cho B biết đây là tài sản do B trộm cắp. Tuy nhiên, A biết việc bạn B cho B mượn xe với mục đích để đi lại chứ không phải cho B mượn xe đi để cầm cố. Thực tế, chiếc xe mô tô này do B trộm cắp được chứ không phải như thông tin B đưa ra cho A là mượn của bạn. Tuy nhiên, với thông tin A tiếp nhận từ B là xe mượn của bạn để đi lại, sau đó B mang đi cầm cố thì B cũng vi phạm pháp luật. Do đó, hành vi cầm cố xe cho B của A cũng phạm tội.
Quan điểm thứ hai: Hành vi của A không phạm tội. Bởi lẽ: Khi B mang xe đến cầm cố cho A thì B không nói cho A biết chiếc xe này là xe B trộm cắp được. Vì muốn A cầm cố xe cho nên B đã đưa ra thông tin gian dối là xe mượn của bạn. Do là bạn bè, B lại nói đang cần tiền gấp nên A đồng ý cầm cố xe cho B. Mặc dù A biết xe B mượn của bạn để đi lại, không được phép mang đi cầm cố. Tuy nhiên, thực tế chiếc xe này do B trộm cắp chứ không phải chiếm đoạt bằng hình thức khác, mà việc B trộm cắp xe thì A hoàn toàn không biết. Vì vậy, hành vi của A không phạm tội.
Quan điểm thứ ba: Hành vi của A không phạm tội. Tuy nhiên lý lẽ đưa ra khác quan điểm thứ hai. Cụ thể như sau: Hoàn toàn có thể xử lý A về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” khi A biết rõ tài sản A cầm cố cho B là tài sản phạm tội mà không cần quan tâm chính xác tội mà B phạm là gì. Nếu việc B nói cho A biết tài sản mình chiếm đoạt của người khác bằng một hình thức nào đó mà không phải trộm cắp nhưng thực tế tài sản đó là tài sản trộm cắp thì vẫn xử lý đối với A. Tuy nhiên, việc A tiếp nhận thông tin từ B là B mượn xecủa bạn để đi lại, không được mang đi cầm cố nhưng A vẫn nhận cầm cố xe cho B là chưa đủ cơ sở để buộc tội đối với A. Bởi lẽ: với nội dung thông tin B đưa ra thì B vẫn chưa phạm tội.
Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của đồng nghiệp./.
Nguyễn Văn Chung- VKSND huyện Việt Yên