.

Thứ bảy, 27/04/2024 -07:34 AM

Quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại trong các vụ án “vi phạm quy định về ĐKPTGTĐB”. Một số kiến nghị, đề xuất

 | 

Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao cho con người. Cùng với đó là những thiệt hại lớn về kinh tế bao gồm: chi phí mai táng người chết, chi phí y tế cho người bị thương, thiệt hại về phương tiện giao thông, về hạ tầng, chi phí khắc phục, điều tra vụ tai nạn giao thông đó cùng với thiệt hại do hao phí về thời gian lao động của người bị tai nạn và cả những người chăm sóc người đó.  Mặt khác, tai nạn giao thông gây nên những tác động tâm lý cả trước mắt cũng như lâu dài, để lại di chứng tâm lý hết sức nặng nề cho người bị tai nạn, người thân của người đó. Do đó, việc xâm phạm tới tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong xã hội được pháp luật bảo vệ phải được đền bù một cách thoả đáng là một tất yếu. Việc bồi thường thiệt hại trong các vụ án tai nạn giao thông đường bộ là một dạng của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy vậy, trong thực tiễn xét xử các vụ án tai nạn giao thông đường bộ không phải trường hợp yêu cầu nào cũng được giải quyết một cách thoả đáng, đúng pháp luật; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhiều trường hợp chưa được bảo vệ. Bồi thường thiệt hại trong các vụ án tai nạn giao thông là phần dân sự trong vụ án hình sự, cũng như các quan hệ dân sự khác, nguyên tắc các đương sự tự thỏa thuận với nhau luôn được tôn trọng, nếu các bên tự thỏa thuận được với nhau thì mức bồi thường phụ thuộc vào thỏa thuận nhưng nếu không thỏa thuận được thì Tòa án giải quyết. Điều đáng nói là ở chỗ, trong các vụ án có hậu quả giống nhau (người bị hại chết), song không phải vụ án nào cũng giống nhau về mức bồi thường.

Nhìn nhận về vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các vụ án tai nạn giao thông đường bộ, chúng ta thấy có những đặc trưng về các hình thức bồi thường thiệt hại sau:

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ. Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thỏa thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường.

Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị hại có lỗi: Trường hợp này, rất khó để xác định trách nhiệm bồi thường. Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.

Bồi thường thiệt hại trong trường hợp lỗi do nhiều người gây ra:

      Nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người.

      Nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

      Trong việc xác định mức độ lỗi và trách nhiệm bồi thường trong trường hợp do lỗi của nhiều người gây ra có rất nhiều quan điểm tranh luận.

      Quan điểm thứ nhất cho rằng: “Hành vi trái pháp luật của các bên điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cùng gây tai nạn trong cùng vụ án không phải là đồng phạm. Do đó, có thể chia tách hậu quả của vụ án có liên quan đến hành vi phạm tội để xác định trách nhiệm hình sự cũng như dân sự”.

      Theo quan điểm này thì phần thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản do chính người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tự gây ra cho họ thì cần được tách riêng ra để loại trừ trách nhiệm hình sự và do đó nếu phần thiệt hại hai bên trong vụ án tự chịu thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường cho nhau.

      Quan điểm thứ hai cho rằng:  “Không thể chia tách hậu quả của vụ án để loại trừ trách nhiệm kể cả hậu quả họ tự gây ra cho chính mình. Vì nếu chia tách như thế không đánh giá đúng mức độ và thực hiện không đúng nguyên tắc “gây ra thiệt hại thì phải bồi thường”.

      Về mặt lý luận thì tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự là lỗi vô ý, nên dù trong một vụ án có nhiều người cùng có lỗi gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì không có đồng phạm, tuy không cùng cố ý thực hiện một tội phạm nhưng lại cùng gây ra hậu quả.

      Quan hệ giữa các hành vi vi phạm với hậu quả có mối quan hệ nhân quả kép trực tiếp, theo đó nhiều hành vi vi phạm an toàn giao thông đều là nguyên nhân, mỗi hành vi đều chứa đựng khả năng làm phát sinh hậu quả. Và họ phải có trách nhiệm chung đối với hậu quả mà họ đã gây ra.

      Về mặt thực tiễn thực tiễn xét xử các vụ án tai nạn giao thông đường bộ do lỗi của nhiều người cùng gây ra cho thấy Tòa án đều buộc các bị cáo chịu trách nhiệm về hình sự cũng như dân sự phần hậu quả chung của vụ án, chưa có trường hợp nào chia tách hậu quả của vụ án.

Từ phân tích nêu trên có thể thấy vướng mắc chủ yếu trong việc áp dụng pháp luật như sau:

Trong tố tụng hình sự, trách nhiệm thu thập chứng cứ, chứng minh có hành vi phạm tội thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Tại Điều 10, BLTTHS quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan THTT. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nghĩa vụ xác định sự thật vụ án một cách khách quan và toàn diện; không được làm oan người vô tội cũng như không được bỏ lọt tội phạm. Còn trong tố tụng dân sự nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự, Điều 6 BLTT DS quy định: “Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”.

      Xem xét các quy định này khi giải quyết các quan hệ dân sự trong vụ án hình sự thể hiện mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật. Đó là, trong cùng một vụ án tai nạn giao thông, khi cần làm rõ mức độ lỗi của bị can, bị cáo cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành trưng cầu giám định và trách nhiệm chứng minh đó thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng để chứng minh mức độ thiệt hại do hành vi gây ra, giám định tỷ lệ thương tật là bao nhiêu để yêu cầu bồi thường thiệt hại lại thuộc về trách nhiệm của đương sự. Như vậy, cùng một nội dung yêu cầu giám định nhưng hai bộ luật quy định trách nhiệm của hai đối tượng, vậy trong trường hợp đó cần giải quyết như thế nào?

Từ những tồn tại trong thực tiễn xét xử của Toà án đối với giải quyết việc bồi thường thiệt hại do các vụ tai nạn giao thông. Có thể đưa ra một số kiến nghị đề xuất nhằm hoàn thiện các chế định pháp luật như sau:

Thứ nhất, bồi thường thiệt hại về tinh thần là khoản bồi thường gặp nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết bồi thường thiệt hại trong các vụ án tai nạn giao thông, bởi thiệt hại do tổn thất về tinh thần là khoản tổn thất không thể đo, đếm được bằng giá trị vật chất, gây nhiều tranh chấp trong quá trình giải quyết vụ án. Để giải quyết vấn đề này được thoả đáng pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể và rõ ràng cho quá trình giải quyết được thuận lợi hơn theo hướng sau đây: “Nếu các bên không thoả thuận được thì Tòa án sẽ quyết định theo các quy định (pháp luật hiện hành). Các bên có quyền thoả thuận mức bồi thường tinh thần không giới hạn nằm khuyến khích các bên tự thoả thuận với nhau, vừa đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự trong quan hệ dân sự vừa giảm được tranh chấp trong các quan hệ dân sự.

Thứ hai, cần có quy định thống nhất giữa các quy định trong TTDS và TTHS. Trong trường hợp phần dân sự giải quyết trong cùng vụ án hình sự thì trách nhiệm trưng cầu giám định thuộc về cơ quan THTT, còn khi tách riêng vụ án dân sự để giải quyết thì trách nhiệm cung cấp chứng cứ thuộc về các đương sự.

Thứ ba, việc cung cấp chứng cứ (các khoản chi phí có hóa đơn) để xác định mức bồi thường thiệt hại trong các vụ tai nạn giao thông là khó khăn bởi trên thực tế, khi người nhà của nạn nhân đưa nạn nhân đi cấp cứu, chạy chữa nhằm giữ lấy mạng sống cho nạn nhân thường không quan tâm đến việc lấy hóa đơn cũng như giữ lại hóa đơn của các khoản tiền đã chi trả cho các dịch vụ. Mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, khi muốn yêu cầu Tòa án giải quyết việc bồi thường thiệt hại giữa các bên thì bên yêu cầu phải cung cấp chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và phù hợp. Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên, thì pháp luật nên có thêm quy định nếu không có chứng cứ để chứng minh mức cụ thể  yêu cầu bồi thường của bên bị thiệt hại thì lấy định mức tối thiểu chi phí mai táng, phí dịch vụ do thuê xe đi bệnh viện… do Toà án xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

Trên đây là một số quan điểm, nhận thức về các quy định của pháp luật đối với vấn đề bồi thường thiệt hại trong các vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; những hạn chế ,vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết bồi thường thiệt hại và một số kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện các chế định, quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các vụ án về tai nạn giao thông nói riêng cũng như trong các vụ án hình sự nói chung./.

Nguyễn Thị Quỳnh Mai

Viện KSND huyện Yên Dũng 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,771,882
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.28.50

    Thư viện ảnh