.

Thứ ba, 23/04/2024 -23:53 PM

Cần có sự nhận thức thống nhất về mẫu quyết định truy tố của Viện kiểm sát theo thủ tục giải quyết án rút gọn

 | 

Với việc xác định giải quyết án rút gọn là một chỉ tiêu trong công tác thi đua, nên hàng năm các đơn vị xây dựng kế hoạch công tác kiểm sát đều đề ra chỉ tiêu này để thực hiện. Tuy vậy, khi các vụ án được giải quyết theo thủ tục án rút gọn lại nảy sinh nhiều quan điểm khác nhau xung quanh mẫu quyết định truy tố của Viện kiểm sát.

Theo quy định tại Điều 319 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố và xét xử được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội pham ít nghiêm trọng; Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng. Và tại các Điều 321; 323; 324 BLTTHS quy định cụ thể về thời hạn điều tra (12 ngày), thời hạn truy tố ( 04 ngày) và thời hạn xét xử ( 07 ngày). Như vậy nếu so với trình tự, thủ tục thông thường thì thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với án rút gọn ít hơn rất nhiều, tiết kiệm được thời gian, công sức của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo quy định sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát, trên cơ sở đó Viện kiểm sát ra quyết định truy tố thay cho bản cáo trạng truy tố bị can ra trước Toà án. Mặc dù Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành mẫu quyết định truy tố (Mẫu 106 theo quyết định số 07 ngày 02/01/2008) theo thủ tục giải quyết án rút gọn nhưng thực tiễn thi hành pháp luật ở nhiều địa phương hiện vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm trong nhận thức và áp dụng đối với thủ tục này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Quyết định truy tố của Viện kiểm sát chỉ cần căn cứ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, quyết định đề nghị của cơ quan điều tra, sau đó truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử. Mà không cần nêu diễn biến hành vi phạm tội, về phần lý lịch bị can cũng nêu rất đơn giản, điều khoản truy tố không cần phải trích dẫn điều luật. Quan điểm này lý giải khi đã áp dụng thủ tục rút gọn thì đương nhiên phải rút gọn cả về trình tự, thủ tục và cả nội dung.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Khi áp dụng thủ tục rút gọn, thì quyết định truy tố của Viện kiểm sát nhất thiết cũng phải phải nêu rõ, ngắn gọn diễn biến hành vi phạm tội, về phần lý lịch bị can phải nêu đầy đủ theo quy định.

Quan điểm này lý giải, mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật tố tụng hình sự, nhưng quá trình điều tra, truy tố và xét xử vẫn theo đúng trình tự thủ tục đã quy định, điều cơ bản nhất khi áp dụng thủ tục này đó là rút ngắn về mặt thời hạn điều tra, truy tố và xét xử vì nội dung vụ án chứng cứ đã rõ ràng, tội phạm thuộc loại ít nghiêm trọng, các bị can có căn cước, lý lịch rõ ràng. Do đó khi Viện kiểm sát ra Quyết định truy tố thì ngoài căn cứ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, quyết định đề nghị truy tố của cơ quan điều tra thì trong Quyết định truy tố Viện kiểm sát cần phải nêu ngắn gọn diễn biến hành vi phạm tội của bị can trên cơ sở kết quả điều tra, về phần lý lịch bị can phải nêu đầy đủ chính xác vì đó là con người mà Viện kiểm sát truy tố ra trước Toà án để xét xử.

Mặc dù mẫu Quyết định truy tố theo thủ tục giải quyết án rút gọn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành không đề cập đến việc trích dẫn điều luật truy tố, nhưng thực tiễn áp dụng pháp luật quan điểm này cho rằng việc trích dẫn điều luật Viện kiểm sát truy tố có ý nghĩa quan trọng trong việc phản ánh mặt khách quan của hành vi pham tội, yếu tố định lượng và định khung hình phạt, nên cần thiết phải trích dẫn.

Mặt khác tại Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Trước khi tiến hành xét hỏi, kiểm sát viên đọc bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung, nếu có". Như vậy trong trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn vì không có quy định nào khác nên việc xét xử vẫn được tiến hành theo trình tự giải quyết vụ án thông thường, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố không đọc bản cáo trạng mà đọc quyết định truy tố, nhưng nếu trong quyết định truy tố không nêu ngắn gọn diễn biến hành vi phạm tội của bị can, mà chỉ quyết định truy tố bị can có lý lịch trên đây ra trước Toà án để xét xử là không phù hợp và không tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bởi chỉ có Viện kiểm sát mới có quyền truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử về hành vi phạm tội. Tại phiên Tòa, nếu Viện kiểm sát không công bố nội dung hành vi phạm tội của bị can trên cơ sở kết quả điều tra vậy cơ quan nào sẽ công bố để tiến hành xét hỏi và tranh luận theo trình tự xét xử mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định?

Trong hai quan điểm trên, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai đó là khi áp dụng thủ tục giải quyết án rút gọn, quyết định truy tố của Viện kiểm sát cần nêu rõ, ngắn gọn diễn biến hành vi phạm tội; phần lý lịch bị can phải nêu đầy đủ theo quy định; và nhất thiết phải trích dẫn điều luật Viện kiểm sát truy tố.

Để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nói chung, việc giải quyết theo thủ tục án rút gọn nói riêng (cụ thể là quyết định truy tố của Viện kiểm sát) được thống nhất trong toàn ngành. Trên cơ sở mẫu Quyết định truy tố đã ban hành, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có sự bổ sung, hướng dẫn cụ thể, tránh sự nhận thức và áp dụng không thống nhất nội dung này ở nhiều địa phương như hiện nay.

NGUYỄN THẾ ANH

VKSND huyện Lạng Giang - Tỉnh Bắc Giang

                                                         

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,745,615
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.141.202.187

    Thư viện ảnh