ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 31/12/2024 -01:09 AM

1. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ.

 | 

1.1. Đối tượng của công tác kiểm sát thi hành án hình sự.

- Điều 23 của Luật Tổ chức VKSND năm 2002 quy định: "VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của TAND, Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc thi hành bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định được thi hành ngay theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm các bản án, quyết định đó được thi hành đúng pháp luật, đầy đủ, kịp thời". Như vậy, đối tượng kiểm sát của công tác kiểm sát thi hành án hình sự là việc tuân theo pháp luật của TAND, Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi hành các bản án và quyết định hình sự của Tòa án.”

- Theo quy định trên, đối tượng kiểm sát của công tác kiểm sát thi hành án hình sự là việc tuân theo pháp luật của các chủ thể sau:

+ Tòa án nhân dân: Đây là một chủ thể quan trọng trong hoạt động thi hành án hình sự, bởi lẽ rất nhiều quyết định pháp lý quan trọng trong thi hành án hình sự do Tòa án có thẩm quyền ban hành như: Quyết định đưa bản án ra thi hành án, hoãn thi hành án phạt tù, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời gian chấp hành hình phạt, xóa án tích v.v…

+ Cơ quan thi hành án hình sự: Đây là một khái niệm chung để chỉ những cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định hình sự của Toà án. Theo Điều 257 BLTTHS, Điều 10 Luật thi hành án hình sự thì các Cơ quan THA hình sự bao gồm: Trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu (sau đây gọi là trại giam); Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh); Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện); Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu).

+ Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu (sau đây gọi là trại tạm giam); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã); Đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương (sau đây gọi là đơn vị quân đội). Ngoài ra, việc tuân theo pháp luật của chính các đương sự như người bị kết án cũng là đối tượng kiểm sát của công tác kiểm sát thi hành án. Tuy nhiên, đối tượng kiểm sát cơ bản là việc tuân theo pháp luật của TAND, Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án hình sự.

+ Đối tượng kiểm sát của công tác kiểm sát thi hành án hình sự còn thể hiện qua việc tuân thủ pháp luật trong và chỉ trong lĩnh vực thi hành các bản án và quyết định của Tòa án, đó là việc tuân thủ pháp luật trong việc thi hành các bản án tử hình, phạt tù, cải tạo không giam giữ, trục xuất; trong việc thi hành các bản án phạt tù nhưng cho hưởng án treo; các việc thi hành án cụ thể như việc ra quyết định thi hành án, việc thi hành các loại hình phạt cụ thể, việc xét miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt, cho hưởng thời hiệu thi hành án, hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, v.v…

1.2. Phạm vi của công tác kiểm sát thi hành án hình sự.

Công tác kiểm sát thi hành án hình sự được bắt đầu từ khi bản án và quyết định hình sự có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo quy định của pháp luật và kết thúc khi bản án và quyết định hình sự được thi hành xong và người bị kết án được xóa án tích (bao gồm cả công tác kiểm sát việc quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù). Tuy nhiên, tùy theo mỗi loại hình phạt cụ thể có trình tự, thủ tục thi hành khác nhau nên phạm vi kiểm sát cũng có thể khác nhau.

1.3. Nhiệm vụ, quyền hạn.

- Căn cứ các điều 26, 27, 28, 29 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và Điều 141 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc thi hành án hình sự bao gồm:

+ Yêu cầu Toà án cùng cấp và cấp dưới ra quyết định thi hành án hình sự đúng quy định của pháp luật;

+ Yêu cầu Toà án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự tự kiểm tra việc thi hành án hình sự và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành án hình sự;

+ Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự theo thẩm quyền; quyết định trả tự do ngay cho người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật;

+ Định kỳ và đột xuất kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; kiểm sát hồ sơ thi hành án hình sự của cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đối với trại giam đóng tại địa phương đó trong việc thi hành án phạt tù;

+ Đề nghị miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án; tham gia việc xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp, rút ngắn thời gian thử thách;

+ Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Toà án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự trong việc thi hành án hình sự và cá nhân có liên quan; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án hình sự; chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật;

+ Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án hình sự;

+ Khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố về hình sự khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm trong thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.

+ Viện kiểm sát trong kiểm sát giam giữ có trách nhiệm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp oan sai trong việc quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, trả tự do theo khoản 1 Điều 28 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 cho người bị giam giữ không có căn cứ và trái pháp luật, phát hiện tội phạm trong việc quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, khởi tố và yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố về hình sự.

- Căn cứ Điều 142 Luật thi hành án hình sự, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể:

+ Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Toà án, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự.

+ Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới: Ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Chương XIII của Luật thi hành án hình sự; Kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và của cấp dưới; thông báo kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát; Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,916,821
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:52.14.219.203

    Thư viện ảnh