ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -10:49 AM

Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội

 | 

Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là trường hợp đặc biệt. Tính chất đặc biệt của trường hợp này là ở chỗ hình phạt được quyết định nhẹ hơn so với người đã thành niên phạm tội có các tình tiết khác tương đương và mức giảm nhẹ phụ thuộc vào mức tuổi của người phạm tội. Sở dĩ người chưa thành niên được hưởng chính sách giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của Nhà nước khi có hành vi phạm tội vì họ có đặc điểm đặc biệt về nhân thân. Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm sinh lí, chưa thể nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện. Nhận thức của họ thường non nớt, thiếu chín chắn và đặc biệt họ dễ bị kích động, lôi kéo bởi những người xung quanh, nếu ở môi trường xấu và không được chăm sóc giáo dục chu đáo, người chưa thành niên dễ bị ảnh hưởng thói hư tật xấu dẫn đến phạm pháp. Bên cạnh đó, so với người đã thành niên, ý thức phạm tội của người chưa thành niên nói chung chưa sâu sắc, họ dễ tiếp thu sự giáo dục của xã hội, nhà trường cũng như của gia đình để từ bỏ con đường phạm tội. Do vậy, không thể coi người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự giống như người đã thành niên. Chính vì thế, hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải nhẹ hơn so với người đã thành niên.

Khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, trước hết toà án phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

Việc xử lí hành vi phạm tội của người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Người chưa thành niên có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình cơ quan, tổ chức nhận giám sát giáo dục.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm của nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thì toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.

Đối với người chưa thành niên phạm tội thì không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình, không áp dụng các hình phạt bổ sung, không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi. Khi xử phạt tù có thời hạn, toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi không được tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Theo quy định của BLHS năm 1999, việc quyết định hình phạt được tiến hành như sau:

+ Đối với phạt tiền: Nếu như BLHS năm 1985 trước kia chưa quy định áp dụng phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội thì BLHS năm 1999 đã quy định phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội nếu họ ở độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và họ có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Quy định mới này nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên đồng thời việc áp dụng phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội trong những trường hợp này vẫn đảm bảo đạt được mục đích của hình phạt.

Mức phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội không vượt quá 1/2 mức tiền phạt mà điều luật quy định.

+ Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ: BLHS năm 1999 quy định giới hạn hình phạt áp dụng cho chưa thành niên phạm tội không quá 1/2 thời hạn mà điều luật quy định. Đồng thời, do người chưa thành niên hầu như chưa có thu nhập hoặc tài sản riêng nên BLHS năm 1999 đã không khấu trừ thu nhập của họ khi những người này bị kết án.

+ Đối với hình phạt tù có thời hạn: BLHS năm 1999 đã phân hoá người chưa thành niên ra làm 2 đối tượng là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi với đường lối xử lí khác nhau. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi được xử lí nhẹ hơn người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Trong từng đối tượng cụ thể nói trên, nhà làm luật tách thành hai trường hợp (trường hợp điều luật quy định hình phạt tù chung thân, tử hình và trường hợp điều luật quy định hình phạt tù có thời hạn) tương ứng với mức hình phạt khác nhau phù hợp với độ tuổi của người chưa thành niên cũng như yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Quy định này thể hiện sự tiến bộ về chất của BLHS năm 1999 khi quy định về quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Cụ thể, Điều 74 quy định như sau:

“1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định".

Đối với trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội, có tội thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội thực hiện sau khi đủ 18 tuổi thì việc tổng hợp hình phạt được áp dụng như sau:

Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 Bộ luật này (khoản 1 Điều 75).

Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội (khoản 2 Điều 75).

Thực tiễn vận dụng Điều 75 BLHS năm 1999 cho thấy nảy sinh vấn đề cần phải được giải quyết, đó là việc xác định tội nặng nhất. Thực tiễn xét xử đã xác định tội nặng nhất là tội có mức hình phạt tối đa của khung hình phạt cao nhất cao hơn. Trong trường hợp có mức hình phạt tối đa bằng nhau thì tội nặng hơn là tội có mức hình phạt khởi điểm của khung hình phạt cao nhất cao hơn. Cách xác định này một lần nữa được khẳng định tại Thông tư số 01/98 TANDTC - VKSNDTC - BNV ngày 02/1/1998. Tuy nhiên, có những trường hợp không thể xác định được tội nặng nhất nếu hình phạt tối đa của khung hình phạt cao nhất của hai tội bằng nhau và hình phạt khởi điểm của khung có hình phạt cao nhất cũng bằng nhau. Trong khoa học luật hình sự hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau. ý kiến thứ nhất cho rằng: "Cơ sở để xác định tội nặng nhất trong các tội mà người chưa thành niên đã phạm là căn cứ vào hình phạt cụ thể mà Toà án đã tuyên cho từng tội. Tội nào có hình phạt cao nhất thì đó là tội nặng nhất trong các tội mà người chưa thành niên đã phạm”.(1) ý kiến thứ hai cho rằng: “Trường hợp không thể xác định được tội nặng nhất nếu hình phạt tối đa của khung hình phạt cao nhất của hai tội bằng nhau và hình phạt khởi điểm của khung có hình phạt cao nhất cũng bằng nhau thì trường hợp này tội nặng hơn là tội có hình phạt tối đa của khung hình phạt nhẹ nhất cao hơn. Nếu hình phạt tối đa của khung hình phạt nhẹ nhất bằng nhau thì tội nặng hơn là tội có hình phạt khởi điểm của khung có hình phạt nhẹ nhất cao hơn”.(2)

Chúng tôi cho rằng ý kiến thứ nhất tuy có ưu điểm là đơn giản hoá việc vận dụng khái niệm tội nặng hơn trong thực tế nhưng không hợp lí vì không thể coi tội trộm cắp nặng hơn tội giết người nếu ở trường hợp cụ thể, người phạm tội trộm cắp bị phạt 10 năm tù còn ở tội giết người, bị cáo chỉ bị phạt có 7 năm tù. Theo chúng tôi, ý kiến thứ hai hợp lí hơn nhưng chưa đủ để giải quyết những vướng mắc còn lại. Cụ thể là nếu hình phạt tối đa và hình phạt tối thiểu của khung có hình phạt nhẹ nhất bằng nhau thì việc xác định tội nặng hơn sẽ như thế nào? Theo chúng tôi, nếu tội nào có quy định hình phạt bổ sung thì tội đó nặng hơn. Tuy nhiên, nếu cả hai tội đều quy định hình phạt bổ sung thì tội nặng hơn sẽ là tội xâm hại khách thể quan trọng hơn.

Quá trình vận dụng Điều 74 vào thực tiễn còn gặp vướng mắc khác. Đó là hạn chế về kĩ thuật lập pháp. Cụ thể là Điều 74 quy định: “... nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình...” hoặc “... không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định” hoặc “... không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định”. Bởi vì, điều luật quy định về tội phạm cụ thể có thể có một hoặc nhiều khung hình phạt trong khi đó Điều 74 chỉ dùng từ chung chung là “điều luật” mà không chỉ rõ khung hình phạt bị áp dụng. Mặt khác, cần hiểu rằng nhà làm luật quy định giảm nhẹ hình phạt cho người chưa thành niên phạm tội so với người đã thành niên là so với trong cùng một khung hình phạt (trong điều kiện các tình tiết khác tương đương). Do đó, quy định chung chung như trên dễ gây hiểu nhầm và vận dụng không thống nhất. Ví dụ: Bị cáo E phạm tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 BLHS năm 1999, khi phạm tội bị cáo tròn 15 tuổi. Với quy định chưa rõ như trên của Điều 74 có thể dẫn đến việc toà án vận dụng khoản 2 đoạn 1 Điều 74, bởi vì, tội cướp tài sản có quy định hình phạt tù chung thân, tử hình. Nếu vận dụng khoản 2 đoạn 1 Điều 74 thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng cho bị cáo không quá 12 năm tù trong khi đó mức cao nhất của khoản 1 Điều 133 chỉ là 10 năm tù (thấp hơn mức 12 năm tù) và mặc dù đã áp dụng Điều 74 nhưng hình phạt tuyên cho bị cáo có thể còn cao hơn cả trường hợp chưa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Trong trường hợp này nếu hiểu đúng tinh thần của Điều 74 thì phải vận dụng đoạn 2 khoản 2 Điều 74 mới đúng vì bị cáo E phạm tội theo Điều 133 khoản 1 và Điều 133 khoản 1 quy định hình phạt áp dụng cho bị cáo là tù có thời hạn. Trường hợp này mức hình phạt cao nhất mà toà án tuyên cho bị cáo không quá 5 năm tù - không quá 1/2 mức cao nhất của khoản 1 Điều 133. Như vậy, nếu áp dụng đoạn 2 khoản 2 Điều 74 thì hình phạt áp dụng cho bị cáo rõ ràng được giảm nhẹ hơn hẳn so với người đã thành niên phạm tội.

Mặt khác, cách diễn đạt “mức hình phạt cao nhất không quá 18 năm tù” hoặc “không quá 3/4 mức phạt tù”... của Điều 74 là còn chưa rõ nên có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.

Cách hiểu thứ nhất cách hiểu phổ biến hiện nay là BLHS đã khống chế mức tối đa của khung hình phạt được phép áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong sự so sánh với người đã thành niên phạm tội và BLHS đã không khống chế mức tối thiểu. Mức hình phạt cao nhất mà người chưa thành niên chấp hành phải thấp hơn mức hình phạt cao nhất áp dụng cho người đã thành niên.

Cách hiểu thứ hai cho rằng mặc dù Điều 74 quy định như trên nhưng thực chất điều luật này vẫn khống chế cả mức hình phạt tối đa và mức tối thiểu phải thấp hơn so với mức tối đa và mức tối thiểu quy định cho người đã thành niên.

Chúng tôi cho rằng để các quy định về quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội được áp dụng có hiệu quả trong thực tế, Điều 74 BLHS hiện hành cần khắc phục kịp thời những hạn chế đã phân tích ở trên để các quy định này thực sự là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm./.

(1).Xem: Trần Văn Sơn, “Quyết định hình phạt trong luật hình sự Việt Nam”, Luận án thạc sĩ luật học, tr. 101.

(2).Xem: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hoà, “Trách nhiệm hình sự và hình phạt”, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội 2001, tr.101. Có thể thấy quan điểm tương tự trong luận án thạc sĩ luật học “Quyết định hình phạt trong luật hình sự Việt Nam” của Trần Văn Sơn... Tác giả cũng đồng tình với quan điểm này bởi vì điều luật đã dụng thuật ngữ “hình phạt cao nhất không quá...” nghĩa là chỉ khống chế mức tối đa.

Dương Tuyết Miên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,795,492
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.135.67

    Thư viện ảnh