Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự bao gồm những sự kiện và tình tiết khác nhau, mà mỗi sự kiện, tình tiết nói riêng và tổng thể của chúng nói chung, đều phải được nghiên cứu, làm sáng tỏ một cách khách quan đầy đủ toàn diện và chính xác. Nội dung chủ yếu của đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự trước hết là cấu thành tội phạm. Đối tượng chứng minh và nghĩa vụ chứng minh trong vụ án hình sự.
Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự bao gồm những sự kiện và tình tiết khác nhau, mà mỗi sự kiện, tình tiết nói riêng và tổng thể của chúng nói chung, đều phải được nghiên cứu, làm sáng tỏ một cách khách quan đầy đủ toàn diện và chính xác. Nội dung chủ yếu của đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự trước hết là cấu thành tội phạm. Chính cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự xác định ranh giới những sự kiện, tình tiết chủ yếu phải chứng minh của vụ án hình sự(1).
Trong khoa học luật hình sự, cấu thành tội phạm được coi là khái niệm pháp lý của một loại tội phạm, là tổng hợp những dấu hiệu đặc trưng cho một loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Những dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm là những dấu hiệu phản ánh nội dung bốn yếu tố của tội phạm, nhưng không phải tất cả những dấu hiệu đó đều được đưa vào cấu thành tội phạm. Có những dấu hiệu bắt buộc phải có trong tất cả các cấu thành tội phạm; có những dấu hiệu có trong cấu thành tội phạm của tội này, nhưng lại không có trong cấu thành tội phạm của tội khác(2).
Những dấu hiệu bắt buộc phải có trong tất cả các cấu thành tội phạm cũng là những vấn đề phải chứng minh trong bất kỳ vụ án hình sự:
- Dấu hiệu hành vi thuộc yếu tố mặt khách quan của tội phạm.
- Dấu hiệu lỗi thuộc yếu tố mặt chủ quan của tội phạm.
- Dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi thuộc yếu tố chủ thể của tội phạm.
Ngoài những dấu hiệu bắt buộc phải có trong tất cả các cấu thành tội phạm nói trên, những dấu hiệu khác tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của tất cả các cấu thành tội phạm, nhưng có thể là những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm cụ thể, vì vậy chúng có thể là những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự.
Ngoài cấu thành tội phạm, trên cơ sở, căn cứ để quyết định hình phạt được quy định trong luật hình sự Việt Nam, những vấn đề phải phải chứng minh trong vụ án hình sự còn có: Những tình tiết về tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm; những tình tiết về nhân thân người phạm tội và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, khi xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã được thực hiện, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chứng minh:
- Có hành vi (hành động hay không hành động) nguy hiểm cho xã hội xảy ra hay không?
- Tội phạm được thực hiện dưới hình thức gì (một người, nhiều người thực hiện nhưng không có đồng phạm, đồng phạm hay phạm tội có tổ chức)?
- Hình thức lỗi, mức độ lỗi, mục đích, động cơ phạm tội…?
- Giai đoạn thực hiện tội phạm: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay tội phạm hoàn thành?
- Thủ đoạn thực hiện tội phạm, hoàn cảnh, địa điểm, thời gian thực hiện tội phạm?
- Tính chất, mức độ hậu quả nguy hiểm cho xã hội do tội phạm gây ra?
Những vấn đề phải chứng minh nói trên tương tự như công thức bảy điểm của luật La Mã cổ đại: Ai, cái gì, ở đâu, bằng cách nào, vì sao, thế nào, bao nhiêu (Qui, quod, ubi, quibus, auxilis, cur, quonodo, quando).
Khi xem xét nhân thân người phạm tội, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án phải chứng minh:
- Những đặc điểm nhân thân người phạm tội có ảnh hưởng trực tiếp đến tội phạm (những đặc điểm mang tính chất pháp lý) như phạm tội lần đầu hay đã có tiền án, tái phạm thường hay tái phạm nguy hiểm, có tính chất chuyên nghiệp hay không; là người thành niên hay chưa thành niên; có thái độ tự thú hoặc hối cải, lập công chuộc tội hay là ngoan cố không chịu cải tạo…?
- Những đặc điểm nhân thân khác tuy không mang tính chất pháp lý, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến hành vi phạm tội như thành phần, quá trình hoạt động chính trị - xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp; người phạm tội thuộc dân tộc ít người, thuộc gia đình liệt sĩ; là nhân sĩ, trí thức có tên tuổi; là chức sắc tôn giáo…?
Những đặc điểm phản ánh hoàn cảnh thực tế của người phạm tội như là người già yếu, bị bệnh hiểm nghèo; là phụ nữ có thai; có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản thân hay của gia đình…?
Ngoài hai nhóm các vấn đề phải chứng minh nói trên, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải cân nhắc đồng thời cả hai loại tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Tố tụng Hình sự đầu tiên của Nhà nước ta được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, tại Kỳ họp thứ ba, thông qua ngày 28/06/1988 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988) và Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, tại Kỳ họp thứ tư, thông qua ngày 26/11/2003 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003), đã đề cập những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, nhưng chưa ghi nhận chính thức định nghĩa pháp lý của khái niệm đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 có qui định: "Điều 63. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội.
3. Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra".
Thuật ngữ "vấn đề" ở đây có thể được hiểu là sự kiện hoặc tình tiết, nói cách khác, Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, chính là điều luật quy định về những sự kiện, tình tiết phải chứng minh trong vụ án hình sự. Tại Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, nhà làm luật đã liệt kê những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự.
Trong vụ án hình sự, những vấn đề phải chứng minh có vị trí, vai trò khác nhau. Vì vậy, phân loại những vấn đề phải chứng minh thành các nhóm khác nhau theo một trật tự nhất định là để nghiên cứu chúng từ các góc độ khác nhau. Có thể hiểu phân loại những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự là việc chia các chứng cứ thành các nhóm khác nhau dựa trên cơ sở những căn cứ (tiêu chí) xác định, nhằm giải quyết những mục đích nhất định.
Trên cơ sở tiêu chí mối quan hệ đối với bản chất vụ án, những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự được chia thành ba nhóm: Nhóm những vấn đề phải chứng minh thuộc về bản chất vụ án bao gồm: Khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và chủ thể của tội phạm; nhóm những vấn đề phải chứng minh không thuộc bản chất của vụ án, nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm hình sự và hình phạt bao gồm: Những tình tiết miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt; những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, những đặc điểm nhân thân người phạm tội, nguyên nhân và điều kiện phạm tội; những vấn đề phải chứng minh không thuộc các yếu tố cấu thành tội phạm, không ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm hình sự và hình phạt, nhưng có ý nghĩa nhất định đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án bao gồm: Mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị cáo, giữa người làm chứng với người bị hại…
Trên sở sở tiêu chí mối quan hệ đối với sự buộc tội, Giáo sư, Tiến sỹ người Nga M.X. Xtrôgôvich phân loại những vấn đề phải chứng minh thành hai nhóm: Nhóm những vấn đề phải chứng minh có tính chất buộc tội và nhóm những vấn đề phải chứng minh có tính chất gỡ tội.
Nhóm những vấn đề phải chứng minh có tính chất buộc tội bao gồm: Có sự kiện phạm tội hay không? Những dấu hiệu của cấu thành tội phạm; bị can có thực hiện hành vi phạm tội đó hay không? Hình thức lỗi của bị can? Những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, các tình tiết về đặc điểm nhân thân của bị can.
Nhóm những vấn đề phải chứng minh có tính chất gỡ tội bao gồm: Có hay không có những tình tiết bác bỏ sự buộc tội đối với bị can, bị cáo? Những tình tiết miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt; những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can bị cáo(3).
Nghĩa vụ chứng minh (onus probandi) trong vụ án hình sự cũng là vấn đề đã được đề cập từ lâu trong lịch sử Luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới. Ngay từ thế kỷ thứ III trước công nguyên, trong luật La Mã cổ đại đã hình thành nguyên tắc: "Trách nhiệm chứng minh thuộc về người khẳng định, chứ không thuộc về người phủ định (ei incumbit probatio qui dicit, non quy negat)".
Thực hiện nguyên tắc này, trong kiểu tố tụng tố cáo rất thịnh hành thời kỳ này, người tố cáo có nghĩa vụ chứng minh và không có người tố cáo thì không có quan tòa (nemo Judex sine actore). Người tố cáo phải thu thập chứng cứ trong một thời hạn do quan tòa quy định, sau thời hạn đó, người đó tiến hành việc tố cáo trước quan tòa (nominis vel criminis delatio). Trình tự xét xử (in judicium) diễn ra trong sự tranh luận giữa người tố cáo - bên buộc tội với bên gỡ tội, trong đó trách nhiệm chứng minh và đề xuất chứng cứ hoàn toàn do người tố cáo chịu trách nhiệm(4).
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988, cũng như Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 của nước ta, đã đề cập nghĩa vụ chứng minh trong vụ án hình sự Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội". Quy định này là hệ quả mang tính lôgíc của nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 9 Bộ luật: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Các cơ quan tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 33 Bộ luật bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, nghĩa vụ chứng minh trong vụ án hình sự thuộc về Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án; trong khi đó theo pháp luật tố tụng hình sự Liên bang Nga, nghĩa vụ chứng minh trong vụ án hình sự thuộc về Kiểm sát viên, Dự thẩm viên, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Cơ quan điều tra ban đầu, nhân viên điều tra ban đầu, người bị hại, tư tố viên, nguyên đơn dân sự, người đại diện của người bị hại, nguyên đơn dân sự và tư tố viên.
Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, nhưng vì chức năng, nhiệm vụ của ba cơ quan này khác nhau, nên việc chứng minh tội phạm của các cơ quan này ở mỗi giai đoạn tố tụng, có những đặc điểm khác nhau. ở giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, giai đoạn điều tra vụ án hình sự và truy tố, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, còn ở giai đoạn xét xử, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và Hội đồng xét xử.
Cũng theo quy định tại Điều 10 Bộ luật này, bị can, bị cáo có quyền chứng minh mình vô tội, nhưng đó không phải là nghĩa vụ của họ.
Vì vậy việc bị can, bị cáo không đưa ra được những chứng cứ chứng minh mình vô tội, thì không thể coi đó chứng cứ buộc tội lại họ.
Theo quy định tại các điều 51, 52, 53, 54 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, những người tham gia tố tụng khác như người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền chứng minh (có quyền đưa ra chứng cứ và yêu cầu), nhưng không có nghĩa vụ chứng minh.
Khác với những người tham gia tố tụng nói trên, khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định người bào chữa có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của bị can, bị cáo, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, đảm bảo công lý: Người bào chữa có nghĩa vụ:
a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, thì người bào chữa có trách nhiệm giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án".
Việc quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng xét về bản chất tương tự với quy định các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiệm vụ xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, chính xác, làm sáng tỏ các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo./.
Trần Quang Tiệp