ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 04/12/2024 -15:27 PM

Một số kinh nghiệm từ thực tiễn giải quyết các vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dưới hình thức “tín dụng đen”

 | 

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra nhiều ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Lãi suất hấp dẫn cộng với thủ tục vay tiền nhanh gọn, đơn giản thuận tiện khiến tín dụng đen có “đất” để phát triển. Các nguồn tiền này phần lớn được huy động trong dân và qua nhiều kênh rồi đến các trùm nợ… và vì thế, mức lãi suất qua từng công đoạn cũng tăng lên ngất ngưởng. “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”, một vài tháng đầu, các trùm nợ trả tiền lãi sòng phẳng khiến nhiều chủ nợ lóa mắt vì khoản lợi nhuận; còn các chân rết ở giữa, chẳng phải làm gì cũng có tiền vì thế càng tích cực huy động vốn để được hưởng nhiều tiền chênh lệch. Khi các vụ việc đổ bể, các con nợ bị bắt giữ thì cũng kéo theo những hệ lụy vô cùng nặng nề…Có nhiều vụ án gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và đời sống xã hội ở địa phương như: Vụ Nguyễn Thị Hiệp ở thành phố Bắc Giang lừa đảo chiếm đoạt của 22 người bị hại với tổng số gần 70 tỷ đồng và 28.000 USD; vụ Vi Thị Hoạt ở Sơn Động chiếm đoạt của 8 người bị hại với tổng số trên 16 tỷ đồng ; vụ vợ chồng Nguyễn Thị Hằng, Dương Quang Tuấn ở Hiệp Hòa lừa đảo chiếm đoạt của 18 người với số tiền trên 9 tỷ đồng và nhiều vụ án khác với số tiền chiếm đoạt rất lớn.

Thời gian qua, những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức tín dụng đen được xử lý có vụ ban đầu các hoạt động đó có thể chỉ là các quan hệ dân sự vay, mượn để kinh doanh; nhưng khi đã bị thâm hụt và mất khả năng thanh toán rồi người vay vẫn tiếp tục đi vay để trả nợ cho những khoản khác thì hành vi đó chuyển thành quan hệ hình sự. Đó là lúc họ ý thức được mình không còn khả năng trả nợ. Làm rõ được ý thức chủ quan ấy thì mới có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cũng có vụ án, để nhằm chiếm đoạt được tiền của người khác, đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối ngay từ ban đầu là vay hứa trả lãi suất cao; với số tiền vay lúc đầu chưa lớn và trả gốc, lãi sòng phẳng để tạo niềm tin. Sau đó sẽ vay số lượng lớn với mức lãi suất cao rồi sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp hoặc chi tiêu cá nhân dẫn đến không còn khả năng thanh toán. Vì vậy, việc chứng minh đối tượng phạm tội lừa đảo dưới dạng tín dụng đen là hết sức khó khăn.

Để giải quyết các vụ án về loại tội này đúng quy định của pháp luật đảm bảo không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, Kiểm sát viên phải nắm vững các dấu hiệu đặc trưng cơ bản về mặt khách quan và chủ quan trong cấu thành tội phạm của tội danh này được Bộ luật Hình sự quy định để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị ra quyết định xử lý chính xác, đúng pháp luật.

 Trước hết, phải chứng minh được “tính gian dối”, “mục đích chiếm đoạt”, “sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp”, “bỏ trốn”. Phải đấu tranh làm rõ lý do mà bị can đưa ra khi đặt vấn đề vay tiền. Thông thường tính gian dối được thể hiện qua lý do các bị can đưa ra để vay được tiền như vay để đầu tư kinh doanh, mua đất, đáo hạn ngân hàng… nhưng thực tế không phải là như vậy.  Vì vậy cần yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh làm rõ những nội dung trên và cần xác định khả năng thanh toán của đối tượng tại thời điểm vay tài sản như nhà, bất động sản, tài sản khác có giá trị; cần điều tra làm rõ việc bị can đã sử dụng tiền vay được như thế nào. Từ đó sẽ củng cố việc chứng minh tính gian dối của bị can trong quá trình thực hiện tội phạm.

Việc chứng minh làm rõ số tiền vay và lãi phát sinh để xác định chính xác số tiền chiếm đoạt là một nội dung quan trọng. Không chấp nhận khoản tiền lãi để xác định là tiền mà người phạm tội chiếm đoạt. Trường hợp bị can có giấy biên nhận vay cần yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định chữ viết trên tất cả các giấy biên nhận vay đó.

Đối với các trường hợp vay tiền nhiều lần gồm cả tiền mặt và vàng, ngoại tệ và các tài sản khác cần yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu định giá để xác định giá trị tài sản tại thời điểm chiếm đoạt. Trong trường hợpbị can còn tài sản, cần phải yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp thu giữ, kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án.

Một nội dung quan trọng nữa là, quá trình điều tra cần điều tra làm rõ những người thân thích của bị can như bố, mẹ, vợ, chồng... có vai trò gì trong quá trình bị can thực hiện hành vi phạm tội hay không, có được bàn bạc hoặc biết mục đích chiếm đoạt tài sản của bị can hay không; có giúp sức gì cho bị can hay không; nếu họ tham gia ký các giấy vay tiền thì cần phải đấu tranh làm rõ trách nhiệm đồng phạm của những người này để xử lý theo quy định...

Trên đây là một số kinh nghiệm thông qua thực tiễn giải quyết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian vừa qua, xin được chia sẻ, trao đổi cùng đồng nghiệp và bạn đọc với hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến, kinh nghiệm hay, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này./.

Nguyễn Thị Thanh Xuân

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,552,197
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.188.183.21

    Thư viện ảnh