Ngày 22 tháng 10 năm 2010 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã có Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn xử lý các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc. Bên cạnh điểm tiến bộ là không tính “tiền ảo” làm căn cứ xác định số tiền và giá trị hiện vật đánh bạc so với hướng dẫn cũ (NQ số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006), song Nghị quyết vẫn còn những điểm chưa rõ, làm nhiều cơ quan tố tụng băn khoăn…khi xử lý các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc.
Hành vi cá độ trong tội phạm đánh bạc nói chung, cá độ chọi gà nói riêng là một hành vi mới hiện nay chưa có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể. Thực tiễn giải quyết vụ án cá độ như cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa, cá độ chọi gà…, chúng tôi thấy việc xử lý tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hiện nay còn nhiều vướng mắc trong việc xác định số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn còn nhiều tranh cãi. Xin nêu cụ thể hành vi cá độ chọi gà sau đây:
Ví dụ: A và B là hai chủ gà có gà chọi với nhau trong một cặp đấu, mỗi người đã bỏ ra 1.000.000 đồng để cá cược thắng – thua với nhau, tỷ lệ đặt cược là 1.000.000đ ăn 1.000.000đ. Ngoài A và B đối tượng C, D, E không có gà nhưng đã dùng gà của A, B để đặt cược, trong đó C lấy gà của A để đặt cược với D số tiền 1.500.000đ ăn 1.500.000đ, C đặt cược với E số tiền 500.000đ ăn 500.000đ.
Vậy trong trường hợp này xác định giá trị số tiền mà các đối tượng tham gia đánh bạc như thế nào ?
- Quan điểm 1: Số tiền mà A và B phải chịu trách nhiệm là tổng số tiền đã tham gia đánh bạc cùng nhau là 6.000.000đ (của A:1.000.000đ + của B: 1.000.000đ) + số tiền của từng đối tượng khác cùng tham gia đặt cược gồm C(2.000.000đ) + D(1.500.000đ) + E (500.000đ). Tương tự như vậy số tiền mà C, D, E phải chịu là số tiền dùng đánh bạc là: 4.000.000đ
Quan điểm này được áp dụng theo điểm a, khoản 4, điều 1, Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao: “Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc“.
Khái niệm “cùng tham gia đánh bạc” được áp dụng là tất cả những người tham gia đặt cược trong một ván đấu của một cặp đấu. Tuy nhiên, thực tế có “ Trường gà” có thể có hàng trăm người tham gia, cá độ nên rất khó xác định được số tiền đánh bạc của các đối tượng.
- Quan điểm 2: Số tiền A và B phải chịu trách nhiệm chỉ tính riêng số tiền mà cả A và B bỏ ra; tức là mỗi người chịu trách nhiệm 2.000.000đ. Tương tư như vậy, C chịu trách nhiệm 4.000.00đ( của C 2000.000 + của D 1500.000đ + của E 500.000đ); D phải chịu 3.000.000đ ( của D 1.500.000đ + của C 1500.000đ ); E phải chịu 1000.000đ ( của E 500.000đ + của C 500.000đ).
Khái niệm “ Cùng đánh bạc với nhau “ được áp dụng là những người trực tiếp ăn thua với nhau và số tiền đánh bạc là tổng số tiền của các đối tượng cộng lại.
- Quan điểm 3: A, B, C, D, E chỉ phải chịu trách nhiệm với số tiền mà chính mình bỏ ra cộng với số tiền thắng cược nhận được.
Quan điểm này được áp dụng theo khoản 5, điều 1, Nghị quyết số 01/2010 của HĐTP tương tự trường hợp cá độ đua ngựa. Số tiền tham gia đánh bạc được xác định là số tiền người đó bỏ ra cộng với số tiền thực tế mà họ nhận được. Giả sử nếu A thắng cược thì A phải chịu trách nhiệm là 2.000.000đ, còn B chỉ phải chịu 1.000.000đ; giả sử nếu bị phát hiện bắt giữ trước khi xác định được người thắng cược thì các đối tượng chỉ phải chịu trách nhiệm với số tiền mà mình đã bỏ ra. Tuy nhiên, nếu áp dụng quan điểm này giả sử A và C chung tiền để đặt cược với B thì tính thế nào ?
Cả 3 quan điểm nêu trên đều có những lý lẽ, cơ sở. Tuy nhiên, theo chúng tôi áp dụng quan điểm 3 sẽ thuận lợi hơn trong việc xác định số tiền và giá trị hiện vật đối với hành vi đánh bạc của từng đối tượng được thống nhất
Nhữ Dũng