Nội dung vụ việc: Ngày 07/01/2020, Triệu Văn P bị bắt quả tang khi đang vận chuyển 10 kg chất dạng bột màu xám (nghi là vật liệu nổ). P khai đó là tiền chất thuốc nổ KNO3 và lưu huỳnh do P mua trên mạng, P nhận được hàng từ shiper với số tiền phải trả là 820.000 đồng. Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Mẫu vật gửi giám định là thuốc pháo nổ.
Hiện nay có hai quan điểm xử lý hành vi của Triệu Văn P:
Quan điểm thứ nhất: Triệu Văn P không phạm tội vì:
Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 36/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ quy định: Thuốc pháo nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp hóa chất khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên một phản ứng hóa học nhanh, nhạy, tỏa nhiệt, sinh khí và tạo ra tiếng nổ.
- Tại khoản 7 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ. Vật liệu nổ bao gồm: Thuốc nổ và phụ kiện nổ.
Như vậy, theo Kết luận giám định nêu trên xác định 10 kg chất dạng bột màu xám là thuốc pháo nổ,không phải là vật liệu nổ.Do vậy hành vi củaP không phạm tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự.
Xem xét hành vi của Triệu Văn P có phạm tội Buôn bán hàng cấm theo Điều 190 BLHS hay không thì thấy: Thuốc pháo nổ không thuộc danh mục hàng cấm cũng không nằm trong danh mục các mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Điều 190 BLHS chỉ quy định xử lý hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ.
Như vậythuốc pháo nổcó được xác định là hàng hóa khác được quy định tại Điều 190 BLHS hay không? Nếu được xem là hàng hóa khác thì theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 190 BLHS quy định: Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng phải có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng...mới cấu thành tội phạm. Trường hợp của Triệu Văn P có hành vi buôn bán 10 kg thuốc pháo nổ, giá trị mua là 820.000 đồng. Do vậy hành vi của P không cấu thành tội buôn bán hàng cấm.
Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả: Triệu Văn P cần phải được xử lý về hành vi “Mua bán trái phép vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự vì:
Theo Thông tư liên tịch số 06 ngày 25/12/2008 của liên ngành Bộ Công an- Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thuốc pháo quy định: Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 232 BLHS.
Về số lượng vật phạm pháp để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự: Người nào mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có số lượng từ 1 kg đến dưới 15 kg hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử lý hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 232 BLHS.
Điều 232 BLHS năm 1999 đã được thay thế bằng Điều 305 BLHS năm 2015. Hiện nay, chưa có văn bản thay thế Thông tư liên tịch số 06 ngày 25/12/2008 của liên ngành Bộ Công an- Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao để hướng dẫn xử lý Điều 305 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, xét về thực tiễn cho thấy: Hành vi buôn bán 10 kg thuốc pháo nổ là rất nguy hiểm cho xã hội, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Triệu Văn P.
Đây là khó khăn phát sinh trong thực tiễn cần sớm có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để xử lý đối với hành vi buôn bán thuốc pháo nổ như vụ việc nêu trên.
Rất mong được sự trao đổi của các đồng nghiệp./.
Trần Lệ Toàn- VKSND huyện Yên Thế