ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -05:00 AM

Căn cứ áp dụng tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

 | 

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Nắm rõ các quy định về tạm giam là cơ sở quan trọng để áp dụng đúng đắn và toàn diện.

Trong BLTTHS 2015 thì tạm giam được quy định tại Điều 119 thuộc vào Chương VII – Biện pháp ngăn chặn, Biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, căn cứ tạm giam, các trường hợp có thể áp dụng biện pháp tạm giam thì rất đa dạng, cụ thể như sau:

* Theo quy định tại Điều 119 BLTTHS:

- Bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

- Bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

- Bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

- Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng trong các trường hợp:

a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

b) Tiếp tục phạm tội;

c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

* Theo quy định tại Khoản 3, Điều 278 BLTTHS:

- Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

* Theo quy định tại Khoản 1, khoản 2, Điều 329 BLTTHS:

- Bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án.

- Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội.

* Theo quy định tại Điều 347 BLTTHS:

- Trường hợp đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm thì Chánh án, Phó Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định tạm giam mới.

- Bị cáo đang bị tạm giam, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

- Bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của Bộ luật này.

- Đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án.

* Theo quy định tại Khoản 5, Điều 358 BLTTHS:

- Trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

* Theo quy định tại Ðiều 419 BLTTHS:

- Đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả.

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật TTHS.

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của BLTTHS.

- Bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm cũng có thể bị tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

* Theo quy định tại Điều 503 BLTTHS:

 - Trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 ra đời đã khắc phục được rất nhiều điểm vướng mắc, bật cập của BLTTHS 2003, làm nền tảng để thay đổi một cách toàn diện, căn cơ, đặc biệt trong vấn đề đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

Tuy nhiên, khi xem xét các quy định về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam có một số vấn đề như sau:

Tại Khoản 4, Điều 119 BLTTHS có đề cập đến đối tượng bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng. Vấn đề là hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là bị “bệnh nặng” để có thể được cơ quan có thẩm quyền quyết định không áp dụng biện pháp tạm giam mà thay thế bằng các biện pháp ngăn chặn khác. Dẫn đến tình trạng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác mà không phải là biện pháp tạm giam một cách tùy tiện hoặc có những trường hợp bị bệnh nặng đáng lẽ không áp dụng biện pháp tạm giam hoặc đình chỉ điều tra…thì lại áp dụng biện pháp tạm giam làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo dẫn đến sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật và gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Theo quy định tại Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2007/NĐ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục. Theo đó thì bị án có thể được hoãn trong trường hợp bị bệnh nặng tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành án phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Ví dụ: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu...

Tuy nhiên, quy định trên chỉ hướng dẫn áp dụng đối với trường hợp người bị kết án bị xử phạt tù có bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Còn đối với trường hợp bị can, bị cáo bị bệnh nặng thuộc trường hợp có thể được hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giam bằng các biện pháp ngăn chặn khác, nếu vận dụng quy định nêu trên để tiến hành thì liệu có đảm bảo hay không.

Tương tự như vậy, đối tượng“người già yếu”được hiểu như thế nào. Theo Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP thì Người già được xác định là người từ 70 tuổi trở lên. Còn theo quy định tại Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP thì Người già yếu là người: Từ 70 tuổi trở lên; Hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm. Tính đến nay, vẫn chưa có một căn cứ pháp lý, một quy định cụ thể hướng dẫn, giải thích đối tượng “Người già yếu” là như thế nào.

Để thống nhất trong thực tiễn áp dụng và đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo trong các giai đoạn, cũng như bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Thiết nghĩ, trong thời gian tới cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc nêu trên./.

Nguyễn Khắc Tú- VKSND huyện Lục Ngạn

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,426,924
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.146.152.119

    Thư viện ảnh