Ngày 07/9/2018, ông Nguyễn Ngọc C thuê anh P chở đất tân ruộng nông nghiệp của hộ gia đình ông C để chuyển đổi canh tác. Chủ tịch Ủy ban xã là ông Nguyễn Văn D đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông C về hành vi chuyển mục đích sử dụng đất không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, đồng thời ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 68 ngày 07/9/2018 đối với ông C, xử phạt 3.500.000đ và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày 07/9/2018. Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban xã ra Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính số 67 ngày 07/9/2018 tạm giữ xe ô tô của anh P để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt, thời hạn tạm giữ 07 ngày. Do hết thời hạn 07 ngày nhưng vẫn chưa thi hành quyết định hành chính, Chủ tịch Ủy ban xã đã kéo dài thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm 03 lần, thời hạn mỗi lần 07 ngày với lý do chưa đảm bảo thi hành xong quyết định xử phạt.
Ngày 01/10/2018, Chủ tịch xã ra Quyết định số 82 trả lại xe ô tô cho anh P với lý do thi hành xong quyết định xử phạt. Ngày 04/10/2018, Ủy ban xã lập biên bản trả lại phương tiện nhưng anh P không ký biên bản với lý do: Anh P không đồng ý viết đơn xin xe và đang làm thủ tục kiến nghị lên cấp trên đối với việc Ủy ban xã giữ xe ô tô theo quyết định số 67. Ngày 05/10/2018, Ủy ban xã D ra Thông báo số 37 trả lại phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ bằng hình thức thông báo trên phương tiện thông tin, niêm yết tại trụ sở xã và thông báo cho anh P trong thời hạn 30 ngày chủ phương tiện không đến nhận mà không có lý do thì chuyển hồ sơ lên cấp trên giải quyết.
Ngày 25/12/2018, anh P làm đơn khiếu nại gửi Chủ tịch Ủy ban xã D về việc tạm giữ và gia hạn tạm giữ xe ô tô. Ngày 04/01/2019, Ủy ban xã lập biên bản xử lý đơn và ra thông báo số 01 về việc không thụ lý đơn khiếu nại của anh P với nội dung đã hết thời hạn khiếu nại mà anh P không có lý do chính đáng.
Ngày 23/01/2019, Chủ tịch UBND xã D ra Quyết định số 03 trả lại phương tiện vi phạm hành chính. Lý do trả lại: Thi hành xong quyết định xử phạt và hết thời hiệu anh P khiếu nại. Cùng ngày, Ủy ban xã lập biên bản trả lại phương tiện và biên bản mở niêm phong xe ô tô cho anh P ký nhận.
Nay anh P xác định việc Ủy ban xã D quyết định tạm giữ và gia hạn tạm giữ xe ô tô với thời hạn tạm giữ xe là 106 ngày là vi phạm pháp luật vì: Ngày 10/9/2018, ông C đã nộp xong số tiền xử phạt hành vi vi phạm nên phải được trả xe ngay theo khoản 2 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính nhưng đến ngày 23/01/2019 Ủy ban mới ra quyết định trả xe (quá 103 ngày). Do vậy Chủ tịch xã D vi phạm khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính. Anh P khởi kiện Quyết định hành chính số 67 của Chủ tịch Ủy ban xã D; yêu cầu chủ tịch xã D bồi thường thiệt hại số tiền 295.260.000 đồng.
Với nội dung vụ án nêu trên. Có hai quan điểm giải quyết như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Quyết định tạm giữ đúng, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh P:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về hành vi vi phạm hành chính có tổ chức bởi anh P là người có năng lực pháp luật đầy đủ nên buộc phải biết việc đổ đất xuống ruộng canh tác chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là vi phạm; anh P cùng ông C thực hiện hành vi đổ đất xuống ruộng canh tác. Do đó anh P phải liên đới chịu trách nhiệm với ông C về hành vi vi phạm. Theo điểm b, c khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính xe ô tô của anh P là phương tiện vi phạm nên quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm là có căn cứ;
Chủ tịch UBND xã D đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 68 ngày 07/9/2018 và tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính để đảm bảo thi hành quyết định hành chính. Nhưng khi hết thời hạn tạm giữ phương tiện và quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ, ông C không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Tổng thời gian tạm giữ phương tiện và 03 quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ là 28 ngày, không vượt quá thời gian quy định tại khoản 8 Điều 125 luật xử lý vi phạm hành chính.Do quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính và các quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ là đúng theo quy định của pháp luật nên Chủ tịch UBND xã D không phải chịu bồi thường thiệt hại do quyết định trên gây ra.
Ngày 01/10/2018, Chủ tịch UBND xã D ra quyết định số 82 trả lại phương tiện cho anh P nhưng anh P không nhận quyết định và cũng không đến nhận xe, lỗi của anh P. Do đó Chủ tịch UBND xã D không phải bồi thường thiệt hại.
- Quan điểm thứ hai: Quyết định tạm giữ không đúng, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh P:
Anh P chỉ được ông C thuê đổ đất, không có trách nhiệm buộc phải biết ruộng của ông C đã chuyển mục đích sử dụng hay chưa hoặc đã được cơ quan nhà nước cho phép. Do đó anh P không phải liên đới chịu trách nhiệm với ông C về hành vi vi phạm hành chính; Chủ tịch UBND xã D không được tạm giữ phương tiện của anh P để “Bảo đảm thi hành quyết định xử phạt” đối với ông C. Mặt khác xe ô tô của anh P là phương tiện sản xuất hàng ngày có giá trị cao hơn nhiều lần mức tiền phạt 3.500.000đ nên không cần thiết phải tạm giữ. Do vậy Chủ tịch UBND xã D ra Quyết định tạm giữ phương tiện là sai.
Do Chủ tịch UBND xã D đã ra quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính sai với thời hạn là 28 ngày làm mất thu nhập của anh P nên phải bồi thường thiệt hại 28 ngày công lao động cho anh P.
Ngày 01/10/2018, Chủ tịch UBND xã D ra quyết định số 82 trả lại phương tiện cho anh P nhưng anh P không nhận nên Ủy ban xã không phải bồi thường kể từ ngày 02/10/2018 đến ngày 23/01/2019.
Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp./.
Trần Văn Mạnh-VKSND huyện Lạng Giang