Nội dung vụ án: Nguyễn Văn A, có giấy phép lái xe ô tô hạng FC, là lái xe cho Công ty Hà Nam (hợp đồng lao động lái xe từ 1/01/2019 – 31/12/2019). Chiều ngày 19/02/2019, A được công ty giao lái xe ô tô đầu kéo từ Hà Nội về xưởng sửa chữa ô tô của Công ty Hà Nam. Khi A điều khiển xe đi từ Quốc lộ 1A chuyển hướng rẽ trái qua đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn thuộc địa phận huyện Lạng Giang (đoạn đường không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu đường sắt) để vào xưởng sửa chữa do không chú ý quan sát và nhường đường cho tàu khách ĐĐ6 của chi nhánh xí nghiệp đầu máy Yên Viên, Hà Nội đi qua nên đã bị đầu máy D9E-214 của tàu đâm vào. Hậu quả: Xe ô tô của A bị văng sang bên phải theo hướng Lạng Sơn- Hà Nội ra khỏi đường sắt, đầu kéo bị thiệt hại 207.000.000đ, sơ mi rơ moóc tải bị thiệt hại 75.900.000đ; đầu máy D9E-214 của tàu bị hư hỏng, thiệt hại 246.000.000đ; kết cấu, thiết bị, phụ kiện công trình giao thông đường sắt bị thiệt hại 250.000.000đ. Tổng tài sản bị thiệt hại trị giá là 778.900.000đ.
Công ty Hà Nam mua bảo hiểm vật chất và bảo hiểm trách nhiệm dân sự của Công ty Bảo hiểm Bưu Điện cho đầu kéo từ ngày 1/01/2019- 31/12/2019, mức tối đa bảo hiểm vật chất trả là 600.000.000đ/1vụ, mức tối đa bảo hiểm dân sự trả thiệt hại tài sản người thứ 3 là 100.000.000đ/vụ, thiệt hại thân thể người thứ 3 là 100.000.000đ/vụ; rơ moóc tham gia bảo hiểm vật chất từ 01/01/2019- 31/12/2019 với mức chi trả tối đa là 200.000.000đ/vụ. Đến thời điểm xét xử bên đường sắt và công ty Hà Nam chưa thống nhất được bồi thường thiệt hại, bảo hiểm chưa thanh toán.
Hiện nay có hai quan điểm xác định khung hình phạt của A và yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự như sau:
Quan điểm thứ nhất: (cũng là quan điểm của tác giả): Nguyễn Văn A phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm g khoản 2 Điều 260 BLHS vì: Xe ô tô đầu kéo do A điều khiển không phải là của A mà là tài sản của Công ty Hà Nam. Điều 260 Bộ luật Hình sự chỉ quy định hậu quả cấu thành là gây thiệt hại đến tài sản của người khác chứ không loại trừ trường hợp tài sản đó do ai đang điều khiển. Mặt khác, tại hợp đồng lao động ký giữa A và công ty Hà Nam có quy định “nếu lái xe vi phạm pháp luật thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Do đó A phải chịu trách nhiệm tổng trị giá thiệt hại xe ô tô và thiệt hại ngành đường sắt là 778.900.000đ.
Về trách nhiệm dân sự: Đến nay Công ty bảo hiểm Bưu Điện chưa thực hiện việc thanh toán bảo hiểm cho Công ty Hà Nam. Công ty Hà Nam và A chưa bồi thường gì cho ngành đường sắt. Do vậy khi xét xử phải buộc Công ty bảo hiểm Bưu điện chi trả toàn bộ thiệt hại vật chất xe đầu kéo và rơ moóc cho Công ty Hà Nam là 282.900.000đ và trả cho ngành đường sắt 100.000.000đ. Còn Công ty Hà Nam phải trả cho ngành đường sắt là 396.000.000đ. Công ty Hà Nam có quyền khởi kiện trong vụ án dân sự khác buộc Nguyễn Văn A phải trả lại cho Công ty số tiền 396.000.000đ đã trả cho ngành đường sắt.
Quan điểm thứ hai: Nguyễn Văn A không phạm tội “theo điểm g khoản 2 Điều 260 BLHS vì: Không tính thiệt hại của xe ô tô đầu kéo và sơ mi rơ moóc để truy cứu trách nhiệm hình sự với A mà chỉ tính thiệt hại của ngành đường sắt là 496.000.000đ. Thiệt hại về tài sản xe ô tô mà lái xe gây ra cho chủ xe (thiệt hại 282.900.000đ) là quan hệ dân sự giữa người lao động là A và Công ty Hà Nam. Do vậy truy cứu trách nhiệm hình sự A theo điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS “gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.
Về trách nhiệm dân sự: Công ty bảo hiểm Bưu Điện chưa thanh toán bảo hiểm cho Công ty Hà Nam nên Hội đồng xét xử không có căn cứ tuyên buộc Công ty bảo hiểm Bưu điện trả bao nhiêu tiền cho thiệt hại xe ô tô và ngành đường sắt; cũng không tính được án phí dân sự. Do vậy bắt buộc phải yêu cầu Công ty bảo hiểm Bưu điện đưa ra mức tiền cụ thể trả bảo hiểm trong vụ tai nạn này thì mới giải quyết được vụ án.
Trên đây là quan điểm của tác giả về nội dung vụ án và hướng giải quyết trách nhiệm dân sự, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp./.
Trần Văn Mạnh- VKSND huyện Lạng Giang