Vướng mắc khi áp dụng BLTTHS năm 2015 về thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra là vướng mắc mà nhiều đơn vị gặp phải. Bài viết trên cơ sở phân tích quy định của BLTTHS năm 2015, hướng dẫn áp dụng liên ngành và giải thích của Vụ nghiệp vụ về việc áp dụng thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra để đảm bảo tính thống nhất và đúng quy định của BLTTHS năm 2015.
Trong BLTTHS năm 2015 không quy định về thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra đối với một số trường hợp cụ thể nêu trong bài viết. Tuy nhiên, qua nghiên cứu những quy định trong BLTTHS năm 2015 và những quy định trước đó thì việc áp dụng thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra là rõ ràng, thời hạn tạm giam không thể vượt quá thời hạn điều tra vì:
Trong mọi giai đoạn tố tụng, BLTTHS đều xác định thời hạn giải quyết. Theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các biện pháp tố tụng như áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong đó có biện pháp tạm giam. Thời hạn điều tra vụ án hình sự là thời hạn được xác định (khi khởi tố vụ án thì xác định được ngày hết hạn thời hạn điều tra), do vậy khi áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn điều tra chỉ nằm trong thời hạn điều tra, không thể vượt thời hạn điều tra (việc gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự phải có điều kiện, nên không thể dự đoán, suy diễn việc điều tra vụ án có thể phải gia hạn để áp dụng thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn điều tra).
Các quyền con người, quyền công dân đã được pháp luật quy định và đây cũng là một nguyên tắc quan trọng của tố tụng hình sự. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng, bảo vệ và thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết đảm bảo đúng quy định của BLTTHS./.
Phạm Hữu Cường- Phòng 3 VKSND tỉnh Bắc Giang