ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -23:13 PM

Giải quyết như thế nào khi người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện nhưng người khởi kiện không rút đơn khởi kiện?

 | 

Luật tố tụng hành chính năm 2015 trong đó có các quy định:

Đương sự có quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu (Khoản 3 Điều 55).

Người bị kiện có quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện (Khoản 4 Điều 57).

Khi người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính; chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án (điểm e khoản 1 Điều 143).

Khi người bị kiện sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Tòa án hủy bản án, quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án (khoản 1 Điều 235).

Nhưng Luật tố tụng hành chính năm 2015 không có quy định rõ và Tòa án nhân dân tối cao chưa có văn bản hướng dẫn đối với trường hợp khi người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện. Người khởi kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì giải quyết như thế nào?

Hiện nay đang có các quan điểm giải quyết khác nhau đối với trường hợp nêu trên như sau:

Quan điểm thứ nhất: Mặc dù người bị kiện đã sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện. Nhưng do người khởi kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Nên Tòa án vẫn phải xem xét xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện và căn cứ Điều 193 Luật tố tụng hành chính để xử bác yêu cầu hay chấp nhận, chấp nhận một phần yêu cầu của người khởi kiện, của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Quan điểm thứ hai: Do người bị kiện đã sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện. Nên đối tượng khởi kiện không còn. Quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không bị xâm hại. Việc người khởi kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập khởi kiện, yêu cầu là không có căn cứ nên xử bác yêu cầu vì đối tượng khởi kiện không còn.

Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, rất mong nhận được các ý kiến trao đổi và phản hồi của đồng nghiệp./.

Giáp Thị Thủy- Phòng 10

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,839,027
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.137.170.38

    Thư viện ảnh