ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 25/12/2024 -11:25 AM

Khó khăn trong điều tra vụ án hình sự có thu giữ thư tín, điện tín

 | 

Trong hoạt động điều tra việc thu giữ thư tín, điện tín có vai trò quan trọng trong việc củng cố chứng cứ để xử lý đối với tội phạm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn trong xử lý vụ việc. Tình huống xảy ra trên thực tiễn công tác như sau:

A là người ghi số lô, số đề được thua bằng tiền đối với những người chơi khác. Ngày 15/11/2018, B nhắn tin bằng số điện thoại di động của B đến số điện thoại di động của A ghi 01 số lô 200 điểm, mỗi điểm là 23.000 đồng, tổng cộng B phải trả cho A là 4.600.000 đồng, kết quả xổ số cùng ngày xác định B trúng thưởng thắng được 16.000.000 đồng, cả A và B bị phát hiện bắt giữ sau khi có kết quả xổ số miền Bắc, thu giữ 2 điện thoại di động của A và B; thu giữ của A sổ sách, cáp lô đề liên quan đến việc nhắn tin đánh bạc bằng hình thức ghi số lô, số đề.

Cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra điện thoại đã thu giữ xác định: Trên điện thoại của A tại thời điểm 15 giờ 00 phút ngày 15/11/2018 có tin nhắn của B nhắn đến A với nội dung ghi số lô, số đề như đã nêu trên. Trên điện thoại của B đã xóa tin nhắn nên không còn dữ liệu tin nhắn. Tiến hành lấy lời khai của cả A và B đều thừa nhận hành vi đánh bạc như đã nêu trên.

Ngày 30/11/2018 cơ quan điều tra ra Lệnh thu giữ thư tín, điện tín đối với nhà mạng Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, tuy nhiên tại văn bản trả lời về việc thu giữ thư tín, điện tín của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel ngày 05/01/2019, tính từ ngày các đối tượng phạm tội đến ngày trả lời của tập đoàn viễn thông quân đội Viettel là 2 tháng 20 ngày xác định không còn dữ liệu tin nhắn liên lạc giữa số điện thoại của A với B.

Trên thực tế sử dụng số thuê bao của nhà mạng Viettel (Viettel Portal) cho thấy: Trên Website có địa chỉ https://vietteltelecom.vn tại mục “quản lý cước” của tập đoàn viễn thông quân đội Viettel thì xác định mỗi thuê bao di động bất kỳ của nhà mạng khi đăng ký dịch vụ, sẽ được tra cứu dữ liệu lịch sử tin nhắn, số cuộc gọi đi, gọi đến trong thời hạn 3 tháng bắt đầu từ lúc thuê bao đó thực hiện nhắn tin, gọi điện và khoảng thời gian hiển thị dữ liệu tra cứu là không quá 31 ngày. Theo như hiện thị của Website nêu trên thì trong khoảng thời gian kể từ lúc A nhắn tin cho B đến lúc tập đoàn viễn thông quân đội Viettel có công văn trả lời, thì trên Website của nhà mạng Viettel vẫn có thể hiển thị “lịch sử liên lạc tin nhắn” giữa A và B trong ngày 15/11/2018. Trên thực tế thì có thể phục vụ cho việc kinh doanh, khiếu nại về dịch vụ, cước… thì nhà mạng có thể lưu trữ dữ liệu với thời gian còn dài hơn.

Các vấn đề đặt ra đối với khó khăn từ việc thu giữ thư tín, điện tín nêu trên:

Thứ nhất:Việc giữa hai số điện thoại của A và B có liên lạc nhắn tin cho nhau tại thời điểm 15 giờ 00 ngày 15/11/2018 là căn cứ quan trọng để xử lý đối với A và B về hành vi đánh bạc. Tuy nhiên với việc trả lời của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel nêu trên đã gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, bỏ lọt tội phạm.

Thứ hai: Theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 6 Luật Viễn thông năm 2009 quy định:

“Điều 6. Bảo đảm bí mật thông tin:

4. Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

c) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 197 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì cơ qua điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.”

Với các quy định nêu trên nhận thấy, nghĩa vụ cung cấp thông tin của nhà mạng Viettel để phục vụ quá trình điều tra là bắt buộc, nhưng vì không có quy định về thời hạn lưu trữ thông tin cụ thể chi tiết, nên nhà mạng từ chối việc cung cấp thông tin phục vụ quá trình điều tra, thể hiện: Dữ liệu cá nhân trên trang Website của nhà mạng vẫn còn, tức là dữ liệu vẫn được lưu trên hệ thống nhà mạng, nhưng khi thực hiện Lệnh yêu cầu thu giữ thư tín, điện tín của cơ quan điều tra thì nhà mạng Viettel lại trả lời là không còn dữ liệu. Như vậy có thể hiểu ở đây là nhà mạng Viettel có thông tin theo yêu cầu của Lệnh thu giữ thư tín, điện tín, nhưng đã không cung cấp theo yêu cầu.

Thứ ba:Trong trường hợp không có thông tin lưu trữ về các số điện thoại của A và B đã thực hiện nhắn tin nêu trên, thì việc xử lý A và B như thế nào. Trong trường hợp này cũng có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Xử lý cả A và B về tội Đánh bạc, vì quá trình điều tra đã thu giữ được điện thoại của A, thu giữ được sổ sách, cáp đề của A, bản thân A và B đều thừa nhận hành vi đánh bạc phù hợp với tin nhắn, sổ sách cáp đề đã thu giữ, nên đủ căn cứ khởi tố A và B về tội đánh bạc.

Quan điểm thứ 2 cho rằng: Đủ căn cứ xử lý A về tội đánh bạc, không đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với B, vì hành vi của A thì đã rõ, nhưng đối với hành vi của B thì chưa đủ căn cứ để khởi tố vì không thu giữ được tin nhắn trên máy điện thoại của B, không thu giữ lịch sử liên lạc tin nhắn giữa điện thoại của A và B nên không có căn cứ vững chắc để khởi tố đối với B. Vấn đề đặt ra trong quan điểm này là sự mâu thuẫn trong việc xử lý hình sự đối với cả A và B trong cùng một vấn đề; một mặt khi xử lý A thì xác định có căn cứ A có hành vi đánh bạc với B, nhưng khi xem xét xử lý đối với B thì lại xác định là không đủ căn cứ B đánh bạc với A.

Quan điểm thứ 3 cho rằng: Nếu không đủ căn cứ xử lý B thì cũng không có căn cứ để xử lý A về hành vi đánh bạc vì định lượng số tiền sử dụng đánh bạc của A chỉ là 4.600.000 đồng, không phạm tội đánh bạc. Còn nếu xử lý được B thì mới xử lý được A về tổng số tiền đánh bạc là 4.600.000 đồng + 16.000.000 đồng = 20.600.000 đồng. Quan điểm này xác định tính liên quan giữa A và B trong việc thực hiện tội phạm, cả A và B đồng phạm cùng nhau tiếp nhận ý chí, do vậy việc xử lý hình sự là xác định xử lý tội phạm do nhóm đồng phạm của A và B đã thực hiện.

Từ những nội dung trên thấy hai mặt của một vấn đề đối với các nhà mạng cung cấp dịch vụ, trong kinh doanh của nhà mạng thì cung cấp thông tin cá nhân, lịch sử liên lạc đầy đủ đối với người sử dụng dịch vụ, nhưng khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thì từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin chưa đảm bảo. Thiết nghĩ bảo vệ thông tin khách hàng là việc làm quan trọng trong hoạt động kinh doanh, là chiến lược kinh doanh, tuy nhiên việc bảo vệ đó chỉ nên thực hiện với những hành vi hợp pháp. Bảo vệ khách hàng ở mức thái quá sẽ gián tiếp cho việc bảo vệ hành vi vi phạm pháp luật, gây hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Mặt khác trong hoạt động tố tụng hình sự, các tài liệu đã thu giữ được đảm bảo quản lý theo chế độ riêng, nếu nhà mạng Viettel cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thông tin cá nhân của khách hàng nhà mạng Viettel, thì vẫn được bảo đảm theo hợp đồng cung cấp dịch vụ, vì việc cung cấp thông tin nêu trên là theo quy định của pháp luật, qua đó mới đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, xử lý đúng người đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm.

Tôi mong nhận được ý kiến tham gia đóng góp của đồng nghiệp./.

Nguyễn Đức Cường- VKSND huyện Lục Ngạn

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,846,370
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.14.254.103

    Thư viện ảnh