Trong những năm qua, tình hình khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính tại tỉnh Bắc Giang có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó nổi lên là loại án khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai do phát sinh từ việc thu hồi đất để phát triển kinh tế, triển khai một số dự án của huyện, tỉnh.
Qua thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết loại án này tôi có một số kinh nghiệm trong việc kiểm sát việc giải quyết của Tòa án và kiểm sát Quyết định hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền thuộc Uỷ ban nhân dân như sau:
Thứ nhất, phải thường xuyên nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai để vận dụng vào giải quyết từng vụ việc cụ thể.
Thứ hai: Giải quyết các vụ án khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực thu hồi đấtlà loại án khó, phức tạp. Do đó khi kiểm sát giải quyết vụ án hành chính liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai thì Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nội dung tài liệu, chứng cứ do hai bên đươngsự giao nộp, cung cấp. Cần xác định rõ điều kiện khởi kiện, yêu cầu của người khởi kiện, người bị kiện để xác định cần phải đưa ai vào tham gia tố tụng với tưcách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; xem xét thời hiệu khởi kiện; thẩm quyền giải quyết; kiểm tra việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án xem đã đầy đủ và đảm bảo về thủ tục tố tụng chưa để từ đó có nhận xét, đánh giá đúng mối quan hệ pháp luật tranh chấp; Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp, tạm thời của Tòa án và kết quả đối thoại; tiếp cận công khai chứng cứ.. trên cơ sở qui định của pháp luật, đề xuất giải quyết vụ án đảm bảo chính xác.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án phải trích nội dung tài liệu đúng, đầy đủ liên quan đến việc kiện, tránh việc chỉ trích tiêu đề tài liệu mà không trích nội dung tài liệu sau đó sao chụp toàn bộ từ hồ sơ gốc do Toà án lập. Khi nghiên cứu hồ sơ phải thể hiện tính khách quan, chú trọng tất cả chứng cứ do các bên cung cấp, liên quan đến yêu cầu của từng bên đương sự trong vụ án.
Thứ ba: Kiểm sát chặt chẽ quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực thu hồi đất (Kiểm sát trình tự, thủ tục, thẩm quyền, căn cứ ban hành).
Về căn cứ: Việc thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội của huyện, tỉnh phần lớn đều liên quan đến thu hồi đất nông nghiệp. Do đó, về căn cứ thu hồi đất phải đảm bảo thuộc các trường hợp theo quy định của Luật đất đai (Điều 39, Điều 40 Luật đất đai năm 2003; Điều 62 Luật đất đai năm 2013), đồng thời phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo giai đoạn, hàng năm.
Trước khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác (phát triển kinh tế...) còn phải được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, cho phép mới thực hiện việc thu hồi đất (Điều 5 Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012; nay là Điều 4, Điều 5 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý sử dụng đất trồng lúa; điểm a khoản 1 Điều 58 Luật đất đai năm 2013...). Do đó khi kiểm sát giải quyết loại án này cần kiểm sát chặt chẽ việc chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan, người có thẩm quyền.
Về thẩm quyền thu hồi đất: Thực hiện theo Điều 44 Luật đất đai năm 2003; nay là Điều 66 Luật đất đai năm 2013).Cần lưu ý: Đối với trường hợp trong khu đất thu hồi có cả đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, đất của tổ chức...(khoản 1, 2 Điều 66 Luật đất đai năm 2013) thì thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Do đó khi kiểm sát mà thấy quyết định hành chính do Uỷ ban nhân dân huyện ký ban hành thì phải xem xét có việc Uỷ ban nhân dân tỉnh có quyết định ủy quyền cho Uỷ ban nhân dân huyện quyết định thu hồi đất hay không.
Về trình tự, thủ tục ban hành quyết định thu hồi đất: Khi xem xét trình tự, thủ thủ tục ban hành quyết định thu hồi đất phải xem xét Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm (hoạt động, thẩm quyền ban hành Thông báo thu hồi đất; nội dung thông báo thu hồi đất; trình tự, thủ tục ban hành các quyết định hành chính khác có liên quan như: Quyết định kiểm đếm tài sản bắt buộc; quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc; các biên bản vận động, thuyết phục người sử dụng đất thực hiện chủ trương... Sai sót thường gặp là: Thu hồi đất không có căn cứ; không đảm bảo trình tự như: Biên bản họp trực tiếp lấy ý kiến người có đất bị thu hồi của chức giải phóng mặt bằng không ghi rõ số lượng đồng ý, không đồng ý, số ý kiến khác với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tổ chức giải phóng mặt bằng tham gia vận động, thuyết phục để người có đất bị thu hồi thực hiện quyết định thu hồi đất, nhận tiền đền bù; không đủ, đúng thành phần...; không đảm bảo các quyền của người sử dụng đất khi họ bị thu hồi đất...
Trên đây là một số kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội. Tôi xin đưa ra để các độc giả nghiên cứu, tham khảo và trao đổi.
Giáp Thị Thủy- Phòng 10