Tạm ngừng phiên tòa là một trong những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, được quy định Điều 251 như sau:
“1. Việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
b) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
c) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa.
2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.”
Vậy, trong thời gian tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì những người tiến hành tố tụng trong vụ án đó có được tham gia các phiên tòa khác hay không? Quy định này có hai quan điểm sau đây:
- Quan điểm thứ nhất: Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục là một nguyên tắc quan trọng trong xét xử vụ án hình sự được quy định tại Điều 250 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Do vậy, việc xét xử phải được tiến hành liên tục từ khi bắt đầu phiên tòa đến khi tuyên án, trong thời gian tạm ngừng phiên tòa hình sự, những người tiến hành tố tụng trong vụ án đó không được tham gia các phiên tòa khác.
- Quan điểm thứ hai: Trong thời gian tạm ngừng phiên tòa hình sự, những người tiến hành tố tụng trong vụ án đó được tham gia các phiên tòa khác, bởi lẽ: Theo sách Đại Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin năm 1998 thì "tạm ngừng" là từ ghép của hai từ “tạm” và “ngừng”. “Tạm” là chỉ trong thời gian ngắn và sẽ còn thay đổi, “Ngừng” là dừng lại, không tiếp tục hoạt động. “Tạm ngừng” là không tiếp tục hoạt động mà phải dừng lại trong thời gian ngắn. Như vậy, có thể hiểu tạm ngừng phiên tòa là phiên tòa không tiếp tục các hoạt động tố tụng trong thời gian ngắn khi có các căn cứ do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Trong thời gian tạm ngừng phiên tòa, chỉ có căn cứ “Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật” là cần phải có sự hoạt động của người tiến hành tố tụng đối với vụ án đó nhưng không phải tất cả những người tiến hành tố tụng đều phải làm việc để xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật. Mặt khác, tại khoản 2 Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “2. Việc xét xử được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ và thời gian tạm ngừng phiên tòa.”.
Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.
Phạm Thu Hà- VKSND huyện Tân Yên