Theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2014 quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án: “ … Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn”
Tại Điều 36 Luật thi hành án dân sự năm 2014 quy định thời gian ra quyết định thi hành án: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây:
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;
b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;
d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án”...
Qua công tác kiểm sát, bản thân tôi nhận thấy đối với các khoản thi hành án chủ động nói chung, khoản án phí nói riêng thì Luật thi hành án dân sự không quy định rõ ràng thời hiệu ra quyết định thi hành án. Luật thi hành án dân sự chỉ quy định thời hạn ra quyết định thi hành án là 05 ngày kể từ ngày Cơ quan thi hành án nhận được bản bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy đối với các khoản thi hành án chủ động như án phí, truy thu, tiền phạt … thì thời hiệu thi hành án có được tính hay không và tính như thế nào?
Trên thực tế có những vụ án hình sự sau khi xét xử, án đã có hiệu lực pháp luật nhưng Tòa án không kịp thời chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành nên Chi cục thi hành án không thể ra quyết định thi hành bản án, quyết định kịp thời theo quy định của pháp luật.
Sau đây tôi xin nêu trường hợp cụ thể để xem xét thời hiệu ra quyết định thi hành án chủ động được áp dụng như thế nào. Ví dụ: Ngày 01/12/2011, Tòa án nhân dân huyện H xử phạt bị cáo Nguyễn Văn A 01 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, bản án có hiệu lực sau 30 ngày do không bị kháng cáo, kháng nghị. A đã chấp hành xong hình phạt tù vào ngày 15/01/2013; từ đó đến nay A cũng không phạm tội mới. Đến ngày 15/3/2018, Tòa án nhân dân huyện H mới chuyển giao bản án sơ thẩm cho Chi cục thi hành án huyện H để tổ chức thi hành đối với phần án phí. Sau khi nhận được bản án, ngày 18/3/2018, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án huyện H đã ra quyết định thi hành án buộc Nguyễn Văn A phải thi hành 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm của Bản án trên.
Hiện nay có 02 quan điểm trái ngược nhau về Quyết định thi hành án này như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Việc ra quyết định thi hành án của Chi cục thi hành án huyện H là cần thiết để thi hành bản án sơ thẩm ngày 01/12/2011, phù hợp quy định tại Điều 36 của Luật thi hành án dân sự năm 2014. Mặt khác, theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, trong đó có quy định: “Thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 55 của BLHS là thời hiệu thi hành bản án hình sự về quyết định hình phạt. Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”; tuy nhiên, Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ lại không quy định thời hiệu thi hành đối với quyết định của bản án về phần án phí. Do vậy, Nguyễn Văn A vẫn phải thi hành khoản án phí này. Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất.
- Quan điểm thứ hai: Việc ra quyết định thi hành án của Chi cục thi hành án huyện H là không đúng. Bởi vì Bản án sơ thẩm ngày 01/12/2011 có hiệu lực pháp luật sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Ngày 15/3/2018, Tòa án mới chuyển giao bản án sơ thẩm cho Chi cục thi hành án là chậm so với quy định, tính đến nay đã quá thời hạn 05 năm. Như vậy thời hiệu thi hành bản án sơ thẩm đã hết. Theo quy định của Điều 55 Bộ luật hình sự thì Nguyễn Văn A không phải chấp hành bản án sơ thẩm ngày 01/12/2011 nữa, đồng nghĩa với việc A không có nghĩa vụ phải thi hành khoản tiền án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng của bản án; việc Chi cục Thi hành án ra quyết định thi hành án nêu trên là vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Điều 55 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:
“1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định như sau:
a) Năm năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ ba năm trở xuống…”
Từ thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy còn có sự sung đột pháp luật gây bất lợi cho người phải thi hành án. Cần phải có nhận thức đúng đắn để pháp luật được áp dụng thống nhất.
Rất mong nhận được sự trao đổi nghiệp vụ của các đồng chí./.
Vũ Văn Thành- VKSND huyện Hiệp Hòa