Sau khi nghiên cứu bài viết “Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà dân sự sơ thẩm khi các đương sự thoả thuận được với nhau về giải quyết vụ án” của tác giả Phạm Thu Hà- Viện KSND huyện Tân Yên đăng trên trang tin điện tử của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 01/11/2017, tôi có ý kiến trao đổi như sau:
Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sựnăm 2015 (Bộ LTTDS) đã quy định: Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.
Để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên pháp luật quy định Viện kiểm sát có quyền và nhiệm vụ tham gia phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự. Theo quy định tại Điều 262 Bộ LTTDS và khoản 1 Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện KSND tối cao và TAND tối caovề phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm thì: Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.
Theo quy định nêu trên, khi đã tham gia phiên tòa sơ thẩm thì Kiểm sát viên đều phải phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.
Như vậy, tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án không làm ảnh hưởng và hạn chế đến phạm vi phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Nếu tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên vẫn phải phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết việccác đương sự thỏa thuận với nhau; nếu việc thỏa thuận đó là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội thì đề nghị Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận theo quy định tại Điều 246 BLTTDS./.
Nguyễn Đức Sơn- Phòng 9