ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -07:57 AM

Trao đổi bài viết: “Vướng mắc trong giải quyết bồi thường tổn thất về tinh thần trong vụ án hình sự”.

 | 

Sau khi đọc bài viết "Vướng mắc trong giải quyết bồi thường tổn thất về tinh thần trong vụ án hình sựcủa tác giả Ngô Thị Thắm - Viện kiểm sát huyện Lục Nam đăng trên trang tin điện tử của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 19/4/2017, tôi có quan điểm như sau:

>>> Vướng mắc trong giải quyết bồi thường tổn thất về tinh thần trong vụ án hình sự.

Như tác giả đã viện dẫn trong bài viết về trách nhiệm của người buộc phải bồi thường cho đối tượng mà người đó xâm phạm về sức khỏe qui định tại Điều 590 Bộ luật dân sự; tính mạng bị xâm phạm quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự và danh dự nhân phẩm bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự. Phân tích những quy định trong các điều luật này thì tôi thấy  có Điều 590 và Điều 592 quy định trách nhiệm của người bồi thường do xâm phạm sức khỏe, danh dự nhân phẩm uy tín của người khác thì phải bồi thường cho chính người đó. Duy nhất có Điều 591 quy định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân tích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Ngoài các điều luật quy định về bồi thường thiệt hại được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 thì Nghị quyết  số 03/HĐTP - TANDTC ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì trường hợp bồi thường do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm thì đối tượng được hưởng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần được hướng dẫn như sau:

" 1.5. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại".

"2.4. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

a) Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại.

b) Trường hợp không có những người được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 này, thì người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại.

c) Trong mọi trường hợp, khi tính mạng bị xâm phạm, những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại (sau đây gọi chung là người thân thích) của người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của những người thân thích của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại..."

"3.3. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm"

 Trong ví dụ cụ thể của bài viết là trường hợp Chu Văn A dùng dao đâm, chém gây thương tích cho Trịnh Văn B 22% sức khỏe, có sự chứng kiến của cháu Trịnh Văn C, 4 tuổi là con trai của B, theo như lời khai người nhà của cháu C thì sau khi vụ việc xảy ra tinh thần cháu C bị ảnh hưởng, cháu hay sợ hãi và hay nhắc lại việc bố bị đánh. Tại phiên tòa luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đề nghị Tòa án xem xét vấn đề bồi thường cho cháu C.

Theo quan điểm của tôi là không chấp nhận đề nghị của Luật sư vì theo quy định tại Điều 591 Bộ Luật Dân sự thì  “Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu” và tại điểm a mục 1.5 của Nghị quyết  số 03/HĐTP - TANDTC ngày 08/7/2006 cũng quy định: "Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại". 

Như vậy trong trường hợp này, anh B chỉ bị xâm phạm về sức khỏe nên Chu Văn A chỉ có trách nhiệm bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp về tinh thần mà chính anh B phải gánh chịu. Đối với việc bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân tích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này chỉ được áp dụng khi tính mạngcủa người bị thiệt hại bị xâm hại.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp!

Đặng Thị Hiền-VKS huyện Lục Ngạn

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,828,050
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.221.147.141

    Thư viện ảnh