ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -09:06 AM

Những giải pháp trong khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường bộ

 | 

Để hạn chế tình trạng án hủy, án sửa các vụ tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến lỗi của Kiểm sát viên thì phải làm tốt công tác khám nghiệm ban đầu. Từ thực tiễn giải quyết các vụ án về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tôi đưa ra một số giải pháp để làm tốt công tác khám nghiệm hiện trường như sau:

Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải yêu cầu Cơ quan điều tra làm tốt công tác bảo vệ hiện trường và thông báo những thông tin liên quan đến việc cần khám nghiệm, kết quả điều tra xác minh ban đầu về những tình tiết liên quan đến hiện trường, cụ thể:

- Yêu cầu Điều tra viên chủ trì khám nghiệm thông báo về sự việc diễn ra để Kiểm sát viên nắm bắt được vụ việc.

- Yêu cầu Cơ quan điều tra phải xác định rõ: Ai là người phát hiện đầu tiên hiện trường, phát hiện trong điều kiện, hoàn cảnh nào, mối quan hệ của người phát hiện với hiện trường (tử thi), công tác bảo vệ hiện trường được tiến hành khi nào, hiện trường có còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn. Thông báo về việc giải quyết những vấn đề phát sinh tại hiện trường để được tiến hành, việc cấp cứu nạn nhân, sự di chuyển đồ vật, tại sao lại có sự xáo trộn đó, những vùng nào xáo trộn để xác định và lý giải những vấn đề sau này xảy ra, như tại sao mất dấu vết, tại sao xuất hiện nhiều dấu vết lạ tại hiện trường ở những chỗ đó.

- Cần xác định rõ: Không gian, thời gian xảy ra tai nạn, chiều hướng tham gia giao thông của các phương tiện, đặc điểm về thời tiết, tình trạng mặt đường, tư thế nạn nhân nằm. Điều tra viên, Kiểm sát viên cần phải xác định được vị trí của các phương tiện, vị trí nằm của nạn nhân, chiều hướng chuyển động của các phương tiện giao thông trước đó. Vị trí, kích cỡ của các vết phanh, vết dầu máy, các mảnh vỡ của phương tiện, vết trượt dài, vết cày xước. Các dấu vết đó phải xác định là những dấu vết mới và có liên quan đến hiện trường vụ khám nghiệm, việc vẽ sơ đồ phải đảm bảo yếu tố chính xác đặc biệt là các số đo, có như vậy mới xác định được lỗi của các chủ phương tiện khi tham gia giao thông, đối với những phương tiện tham gia giao thông cần khám nghiệm thì việc vận chuyển về nơi bảo quản phải đảm bảo không làm ảnh hưởng dấu vết để lại trên phương tiện.

Việc nắm chắc những thông tin ban đầu này sẽ giúp Kiểm sát viên định hướng trước về nội dung, phương pháp cũng như phạm vi công tác khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải trao đổi trước với Điều tra viên những vấn đề cần thu thập, làm rõ, chứng minh để thống nhất về phương pháp và cách thức tiến hành khám nghiệm để đạt hiệu quả tốt nhất. Như vậy, đòi hỏi Kiểm sát viên trước hết phải nắm vững những quy định của pháp luật, nắm vững nguyên lý hình thành dấu vết vật chứng và dấu vết đặc trưng đối với hiện trường vụ tai nạn giao thông.

Ngay từ đầu Kiểm sát viên đến hiện trường phải kiểm tra ngay về tư cách pháp lý của các thành viên trong Hội đồng khám nghiệm cũng như những người được tham gia vào cuộc khám nghiệm (đại diện chính quyền địa phương, người chứng kiến...) bảo đảm thành phần khám nghiệm đúng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp thành phần không đầy đủ thì  yêu cầu Cơ quan điều tra triệu tập đầy đủ và đúng thành phần mới tiến hành khám nghiệm và mới ký nhận vào biên bản khám nghiệm, phải kiên quyết và dứt khoát trong những trường hợp như vậy, sau này không phải làm lại, vừa mất thời gian, dấu vết không còn nguyên vẹn, thậm chí có nhiều trường hợp không thể khắc phục được.

Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ hoạt động của những thành viên tham gia trong Hội đồng khám nghiệm, kịp thời phát hiện những thiếu sót để yêu cầu khắc phục ngay, quá trình Hội đồng tiến hành thu thập dấu vết vật chứng tại hiện trường cũng như tiến hành những hoạt động điều tra khác tại hiện trường phải đảm bảo tính hợp pháp và tính có căn cứ khi tiến hành những hoạt động đó, những vùng nào cần phải chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả chi tiết tỷ mỷ, chính xác trong biên bản, những mẫu vật nào phải thu giữ, niêm phong... thì Kiểm sát viên cần yêu cầu Hội đồng khám nghiệm hiện trường tiến hành ngay.

Một trong những hoạt động điều tra tại hiện trường không thể thiếu đó là công tác lấy lời khai của người bị hại hoặc của những người biết việc, cần giám sát chặt chẽ hoạt động này, yêu cầu Điều tra viên thực hiện đầy đủ mọi hoạt động trên, lập biên bản và có chữ ký đầy đủ, không viết tẩy xoá hoặc chồng chéo, nếu phát hiện có hiện tượng này thì Kiểm sát viên cần yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục bằng việc ký vào chỗ đó hoặc lập lại biên bản theo đúng quy định của pháp luật, nếu thực hiện không đúng, những thông tin này không có giá trị chứng minh.

Kiểm sát viên cần có cuốn sổ tay theo dõi ghi chép tỷ mỷ toàn bộ diễn biến tại hiện trường, tình hình hiện trường để đảm bảo hoạt động nghiên cứu, đối chiếu sau này. Việc ghi chép cũng có ý nghĩa đối với Kiểm sát viên sau này có tài liệu báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát về kết quả của công tác kiểm sát điều tra tại hiện trường.

Trước khi ký nhận Kiểm sát viên cần kiểm tra hình thức biên bản, nội dung biên bản đảm bảo phản ánh đầy đủ, khách quan, toàn diện kết quả khám nghiệm hiện trường. Những chỗ nào nội dung phản ánh còn thiếu, chưa đúng thì Kiểm sát viên phải yêu cầu bổ sung ngay. Sau khi tiến hành hoạt động kiểm sát điều tra tại hiện trường, Kiểm sát viên phải báo cáo kết quả hoạt động với lãnh đạo Viện kiểm sát.

Nguyễn Mậu Sơn- VKSND Việt Yên   

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,428,924
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.112.23

    Thư viện ảnh