Bộ luật hình sự năm 2015 đã có một số quy định thay đổi theo hướng có lợi hơn đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự thì việc áp dụng những quy định có lợi cho người phạm tội trong đó có quy định về xóa án tích còn có vướng mắc.
Nội dung vụ án: Ngày 10/2/2016, Công an thành phố B bắt quả tang 8 đối tượng đánh bạc bằng hình thức đánh xóc đĩa; thu tại chiếu bạc 15 triệu đồng và 1 số vật chứng khác liên quan đánh bạc. Cơ quan điều tra đã khởi tố 08 bị can về tội đánh bạc. Trong đó có Hoàng Văn A và Nguyễn Văn B là 2 bị can có tiền án, cụ thể như sau:
1. Đối với bị can Hoàng Văn A
- Tháng 6/2011 bị Tòa án xử phạt 06 tháng tù về tội đánh bạc (số tiền dùng đánh bạc là 10 triệu đồng, chấp hành xong bản án vào tháng 10/2011).
- Tháng 12/2012 bị Tòa án xử phạt 12 tháng tù về tội đánh bạc (số tiền dùng đánh bạc là 06 triệu đồng, chấp hành xong bản án vào tháng 7/2013).
2. Đối với bị can Nguyễn Văn B
- Tháng 5/2007 bị Tòa án xử phạt 05 năm tù về tội cướp tài sản (chấp hành xong bản án vào tháng 8/2011).
- Tháng 10/2012 bị Tòa án xử phạt 01 năm tù về tội trộm cắp tài sản (tài sản trộm cắp trị giá 05 triệu đồng, chấp hành xong bản án vào tháng 5/2013).
Hiện nay có 2 quan điểm về việc xác định hành vi đánh bạc của Hoàng Văn A và Nguyễn Văn B có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm hay không.
Quan điểm thứ nhất:
Bộ luật hình sự năm 2015 có sửa đổi quy định về đương nhiên được xóa án tích theo hướng có lợi hơn cho người phạm tội. Cụ thể như sau:
Khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015 quy định: “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây...
b, 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm.
Khoản 1 Điều 73 BLHS năm 2015 quy định: “Thời hạn để xóaán tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên”.
Nghị quyết số 144/2016/NQ13 ngày 29/6/2015 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015. Tuy nhiên, Khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết hướng dẫn thì kể từ ngày 01/7/2016:
a, Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự và tiếp tục áp dụng các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/NQ13.
b, Áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định khác có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 109/2015/NQ13.
Giao Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành điểm a và điểm b Khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết này.
Khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 quy định: “Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng... xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
Căn cứ quy định nêu trên thì Hoàng Văn A, Nguyễn Văn B sẽ được đương nhiên xóa án tích. Vì 2 bị can đã chấp hành xong các bản án và hình phạt tù của các bị can áp dụng trong các lần xét xử đều không có lần nào trên 05 năm tù. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015 nêu trên thì A và B đều được đương nhiên xóa án tíchsau 2 năm kể từ ngày chấp hành xong bản án thứ 2.
Quan điểm thứ hai:
Căn cứ quy định về xóa án tích theo BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) hiện đang có hiệu lực thi hành thì hành vi đánh bạc ngày 10/2/2016 của Hoàng Văn A và Nguyễn Văn B đều thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm vì đều tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý.
Mặt khác, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 hướng dẫn thi hành điểm a và điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/NQ13 ngày 29/6/2015.
Tại Nghị quyết nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn về việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình; việc không xử lý hình sự đối với trường hợp BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm; việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi…nhưng chưa hướng dẫn việc áp dụng quy định mới về xóa án tích khi tiến hành tố tụng đối với người phạm tội.
Theo quan điểm của cá nhân tôi thì cần thực hiện theo quan điểm thứ hai. Tôi mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp./.
Đoàn Thế Đức-VKS TP Bắc Giang