ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -16:38 PM

Một số kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án hủy hoại rừng

 | 

Sơn Động là huyện miền núi, có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Bắc Giang. Trong những năm qua trên địa bàn huyện Sơn Động xảy ra nhiều hủy hoại rừng với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Qua thực tiễn xử lý tội phạm này, chúng tôi đã rút ra một số kinh nghiệm như sau.

Thứ nhất, ngay sau khi nhận được tin báo có vụ hủy hoại rừng xảy ra, Viện kiểm sát phải phối hợp ngay với Cơ quan điều tra, Hạt kiểm lâm huyện tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định rõ diện tích rừng bị phá, lập bảng tổng hợp để xác định số lượng, trữ lượng cây gỗ bị chặt phá, số lượng, trữ lượng từng loại cây, chiều cao, đường kính gốc cụ thể từng cây. Sau đó tiến hành trưng cầu định giá để xác định thiệt hại tài sản (từng loại, sốlượng cụ thể)làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra phải thu giữ ngay công cụ, dụng cụ các đối tượng dùng để cắt và chặt phá rừng. Đối với số gỗ, củi đối tượng phá rừng để tại hiện trường cần thu giữ để phục vụ cho công tác điều tra, nếu do điều kiện không thể thu giữ, vận chuyển được thì cần giao cho Ủy ban nhân dân xã nơi có rừng bị chặt phá có trách nhiệm trông coi, bảo quản.

Thứ hai, quá trình điều tra phải yêu cầu cơ quan chuyên môn xác định rõ diện tích rừng bị chặt phá thuộc kiểu trạng thái rừng nào, thu thập tài liệu xác định nguồn gốc; các loài cây bị chặt phá thuộc nhóm gỗ gì, đồng thời thu thập bản đồ diễn biến rừng hàng năm để xác định sự thay đổi trạng thái khu rừng đó.

Ảnh: minh hoạ (nguồn do tác giả cung cấp)

Thứ ba, xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án hủy hoại rừng phải là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước (Ủy ban nhân dân); lấy lời khai của nguyên đơn dân sự về việc giao đất, giao rừng, diện tích được giao, đó là loại rừng gì, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, những thiệt hại xảy ra, yêu cầu bồi thường như thế nào, yêu cầu cụ thể về chi phí trồng lại rừng.

Làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện trong việc bảo vệ, phát triển rừng, tài sản rừng bị phá, bị thiệt hại là do ai có thẩm quyền quản lý; số gỗ ở hiện trường là tang vật cơ quan điều tra không thu hồi được thì phải chụp ảnh đưa vào hồ sơ vụ án, phải giao cho Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm trông coi quản lý theo quy định của tố tụng hình sự. Làm việc với đại diện Ủy ban nhân dân huyện trong việc tổ chức thu hồi số gỗ này, nếu chưa thu hồi được thì phải nêu rõ lý do.

Thứ tư, làm việc với Hạt kiểm lâm huyện cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hạt kiểm lâm trong việc bảo vệ rừng (theo văn bản luật nào, mối quan hệ của Hạt kiểm lâm huyện với Ủy ban nhân dân huyện như thế nào). Địa bàn huyện có quản lý những loại rừng nào (phòng hộ, sản xuất, đặc dụng); khu rừng nơi bị phá thuộc tờ bản đồ nào, vị trí cụ thể trên tờ bản đồ đó; mô tả màu sắc khu vực đó trên bản đồ và mô tả chi tiết các ký hiệu, chú thích trên tờ bản đồ ở vị trí bị phá. Từ đó dẫn chiếu các văn bản quy định màu sắc, ký hiệu đó có ý nghĩa như thế nào. Khi có các ký hiệu trên tài liệu giao đất, giao rừng thì phải giải thích rõ ý nghĩa của nó, căn cứ giải thích là văn bản nào. Ví dụ: R Tn S là gì? Trạng thái rừng IIb là gì? Căn cứ văn bản nào? Làm rõ việc giao đất, giao rừng cho bị can hoặc người nhà bị can cụ thể như thế nào (thu thập quyết định giao đất, giao rừng), việc giải thích quyền và nghĩa vụ khi giao như thế nào, hàng năm có theo dõi, giải thích không (ai là người theo dõi, giải thích, có hồ sơ, tài liệu gì thể hiện việc theo dõi, giải thích không). Trước khi giao rừng thì khu rừng đó là rừng gì (Theo nguồn gốc hình thành quy định tại Điều 5 Thông tư 34 năm 2009 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn), thực trạng rừng lúc được giao. Hàng năm người được giao đất, giao rừng được hưởng quyền lợi cụ thể như thế nào, ai chi trả, có tài liệu theo dõi việc chi trả không? Quyền và nghĩa vụ cụ thể của họ được quy định ở văn bản nào? Hàng năm họ thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ rừng như thế nào, ai quản lý theo dõi, có hồ sơ sổ sách không? Làm rõ trước khi phá rừng họ có trồng rừng hoặc khoanh nuôi tái sinh hay không, họ có bỏ vốn ra để trồng, chăm sóc hoặc bảo vệ rừng hay không?  Làm rõ tình trạng phá rừng trên địa bàn xã, huyện trong thời gian bị can phá rừng, kiểm lâm có biện pháp gì để ngăn chặn; hiệu quả của các biện pháp, lý do không ngăn chặn được…để phản ánh tính chất, mức độ của hành vi hủy hoại rừng. Trước khi phá rừng thì bị can có làm đơn xin phép UBND xã, Trạm kiểm lâm, Hạt kiểm lâm, UBND huyện hay không (phải phản ánh trong hồ sơ vụ án). Hạt kiểm lâm huyện có tổ chức tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng trong công tác bảo vệ, khai thác rừng trên các phương tiện giao thông đại chúng không. Khi làm việc thì UBND huyện, Hạt kiểm lâm cung cấp tài liệu, văn bản có liên quan nào thì phải lập biên bản, tài liệu phô tô thì phải công chứng hoặc đóng dấu treo của cơ quan cung cấp.

Thứ năm,làm việc với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi rừng bị chặt phá để làm rõthời gian hộ gia đình được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau đó có aitách hộ ra ở riêng được các thành viên trong hộ đó cho phép quản lý, sử dụng hay không?

Khi bị can được Nhà nước giao đất, giao rừng để chăm sóc, quản lý, bảo vệ nhưng sau đó có hành vi hủy hoại diện tích rừng đó thì khi hỏi cung cần hỏi rõ bị can được Nhà nước giao đất, giao rừng từ khi nào, giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất rừng đó, thời điểm nhận giao đất, giao rừng thì thực trạng rừng đó như thế nào? Sau khi được giao rừng đến nay bị can đã thực hiện việc trông coi, khai thác không, hàng năm được hưởng chế độ từ nhà nước không? 

Thứ sáu, Cáo trạng của Viện kiểm sát và bản luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa cần dẫn chứng quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 30/9/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bắc Giang thì khu rừng bị chặt phá thuộc loại rừng gì, trạng thái như thế nào?Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phá rừng trái pháp luật đối với từng loại và Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 thì hành vi phá rừng trái pháp luật là hành vi huỷ hoại diện tích rừng số lượng như thế nào (Lớn, rất lớn, đặc biệt lớn); cần xác định hành vi hủy hoại đó vi phạm điều, khoản nào của Luật bảo vệ và phát triển rừng, đối chiếu với quy định của pháp luật để buộc bị cáo phải chịu theo khung, khoản của Bộ luật hình sự. Ngoài ra, bản luận tội bắt buộc phải nhấn mạnh các nội dung để tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao nhận phức về pháp luật cho người dân.

Với những kinh nghiệm nêu trên của đơn vị đã góp phần giải quyết các vụ án về tội hủy hoại rừng đảm bảo đúng pháp luật đồng thời phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương trong việc bảo vệ và phát triển rừng./.

Hoàng Trung Kiên-VKS huyện Sơn Động

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,816,532
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.133.122.95

    Thư viện ảnh