Việc xử lý vật chứng, tài sản trong vụ án hình sự là vấn đề phức tạp và thực tế một số trường hợp vẫn còn có những quan điểm khác nhau. Sau đây, tác giả xin nêu một trường hợp để trao đổi cùng các đồng nghiệp và bạn đọc.
Nội dung vụ án: Ngày 22/7/2015, Nguyễn Văn N có hành vi trộm cắp của gia đình anh Giáp Văn T số tiền 25.000.000 đồng. N dùng 10.000.000 đồng trong số tiền trộm cắp để mua 01 chiếc xe máy trả góp tại cửa hàng xe máy ở thành phố Bắc Giang thông qua Công ty tài chính Home Credit Việt Nam có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.
Việc mua xe của N như sau: Sáng ngày 03/8/2015, N rủ bạn là Giáp Văn A đi Bắc Giang chơi rồi vào cửa hàng xe máy PL để xem. Sau khi biết có chương trình mua xe trả góp, N đã thỏa thuận với chủ cửa hàng và đại diện Công ty Home Credit Việt Nam mua trả góp 01 xe máy Honda trị giá 20 triệu đồng. Do N không có chứng minh nhân dân nên nhờ Giáp Văn A đứng tên để ký hợp đồng mua bán. Hợp đồng quy định A đã trả trước cho Công ty 10 triệu đồng (số tiền này do N đưa cho A để thực hiện hợp đồng nhưng không nói cho A biết về nguồn gốc có được do trộm cắp); hàng tháng, A phải thanh toán cho Công ty số tiền còn lại cả gốc và lãi cho đến khi hết theo hợp đồng, A đã thực hiện được 02 tháng đều bằng nguồn tiền do N đưa. Sau khi mua xe, cửa hàng PL đi đăng ký xe mang tên A và giao đăng ký cho Công ty giữ, còn xe thì cả A và N cùng sử dụng.
Ngày 08/11/2015, Cơ quan điều tra khởi tố đối với N về tội trộm cắp tài sản, A tự nguyện nộp cho Cơ quan điều tra chiếc xe máy trên. Trong quá trình điều tra, Công ty Home Credit Việt Nam từ chối nộp đăng ký xe, từ chối tham gia tố tụng với lý do hợp đồng giữa Công ty và A vẫn còn hiệu lực, hiện nay Công ty chưa có yêu cầu gì đối với A và chiếc xe máy trên, khi nào cần thì Công ty sẽ khởi kiện A theo thủ tục tố tụng dân sự. Giáp Văn A không có đề nghị gì về chiếc xe máy do không phải là xe của mình.
Quá trình giải quyết vụ án, việc xử lý vật chứng là chiếc xe máy nói trên có 2 quan điểm khác nhau:
Thứ nhất, Tòa án phải tuyên trả cho A chiếc xe máy nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án; A phải có trách nhiệm hoàn trả cho anh T số tiền 10 triệu đồng; N phải bồi thường cho anh T số tiền còn lại là 15 triệu đồng. Quan điểm này cho rằng, chiếc xe máy mang tên A và trị giá 20 triệu đồng trong khi N chỉ đưa cho A 10 triệu đồng để mua xe; A là người đứng ra ký kết hợp đồng, đăng ký xe mang tên A. Do vậy, cần xác định đây là tài sản của A và trả lại cho A. Tuy nhiên, trong số tiền mua xe có 10 triệu đồng là tiền do N trộm cắp của anh T nên A phải có trách nhiệm bồi thường cho anh T số tiền này.
Thứ hai,Tòa án tuyên trả cho N chiếc xe máy nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án và N phải bồi thường cho anh T toàn bộ số tiền đã trộm cắp. Quan điểm này cho rằng mặc dù xe máy mang tên A nhưng cả A và N đều thừa nhận đó là xe của N do A đứng tên hộ, N vẫn đang thực hiện hợp đồng trả góp với Công ty. Mặt khác, chiếc xe được mua bằng chính số tiền do N trộm cắp, nghĩa vụ bồi thường cho anh T là của N.
Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc./.
Trần Thị Huệ - VKS huyện Lạng Giang